Kon Tum là tỉnh miền núi, có địa hình đồi núi, nhiều sông, suối nhỏ, có độ dốc lớn, tốc độ dòng chảy mạnh và khí hậu có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Chính vì vậy, trữ lượng cát dưới lòng sông, suối khá nhiều, thường bồi tích sau những trận mưa, lũ lớn. Bên cạnh việc cấp phép cho các đơn vị, doanh nghiệp thăm dò, khai thác, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng như chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Huyện Đăk Tô là một trong những địa phương có số lượng mỏ khai thác cát lớn của tỉnh Kon Tum với 12 mỏ đã được cấp phép, tổng trữ lượng trên 200.000 m3. Khu vực các mỏ được phép khai thác chủ yếu dưới lòng các con sông lớn chảy qua địa bàn như Pô Kô, Đăk Tơ Kan, Tê Pen 2.
Hộ kinh doanh Trương Quảng (thôn 4, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) được cấp giấy phép khai thác cát dưới lòng sông Pô Kô từ năm 2017, trên tổng diện tích 0,99 ha, trữ lượng gần 19.300 m3. Ông Trương Quảng, chủ hộ kinh doanh cho biết, từ khi được cấp phép, gia đình đã khai thác cát theo đúng trữ lượng, khối lượng, diện tích đã được quy định trong giấy phép. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương thường xuyên đến tuyên truyền, nhắc nhở làm đúng theo quy định, không vượt quá phạm vi được cấp phép. Đặc biệt, hộ kinh doanh đã thực hiện nghiêm túc việc thông báo công khai dự án khai thác khoáng sản của gia đình để người dân trong khu vực và chính quyền địa phương thuận tiện trong khâu giám sát.
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Tô, để đáp ứng nhu cầu về đá, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng cùng với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn rà soát, kịp thời bổ sung các điểm mỏ có khả năng khai thác khoáng sản để đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản hàng năm. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các đơn vị khai thác khoáng sản, Ủy ban nhân dân huyện cũng chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn, Thủ trưởng các phòng, ban chuyên môn trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, sử dụng khoáng sản trên địa bàn quản lý. Trong giai đoạn 2011 – 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 16 trường hợp khai thác cát trái phép, với tổng số tiền phạt gần 200 triệu đồng, buộc các đơn vị vi phạm thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường.
“Phòng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện tăng cường tuyên truyền, thực hiện tốt các quy định về bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Hàng tuần, đơn vị cử cán bộ chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã, tiến hành kiểm tra các điểm mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn, tổng hợp báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra tình trạng khai thác trái phép, tất cả các điểm mỏ đều khai thác đúng theo quy định”, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết thêm.
Thành phố Kon Tum cũng là địa phương có trữ lượng cát lớn, chủ yếu dưới lòng sông Đăk Bla. Hiện, trên địa bàn có 17 điểm mỏ đã được cấp giấy phép khai thác, song chỉ có 9 điểm đang hoạt động, 8 điểm còn lại đã dừng khai thác, chờ gia hạn giấy phép vì còn trữ lượng. Để tăng cường công tác quản lý các điểm mỏ khai thác khoáng sản dưới lòng sông, Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum đã giao Ủy ban nhân dân các xã, phường trên địa bàn nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, quản lý hoạt động khoáng sản sau khi cấp phép và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Từ năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương của thành phố Kon Tum đã phát hiện 9 vụ vi phạm trong hoạt động khai thác khoảng sản cát; trong đó có 8 vụ khai thác trái phép, 1 vụ khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, xử phạt tổng số tiền 132,5 triệu đồng.
Ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum cho biết, riêng trên địa bàn xã có 5 mỏ khai thác khoáng sản cát dưới lòng sông Đăk Bla. Để thực hiện công tác phối hợp kiểm tra, quản lý, Ủy ban nhân dân xã đã xây dựng kế hoạch kiểm tra 3 lần/tuần. Đoàn kiểm tra gồm có lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, cán bộ địa chính – xây dựng và công an xã để thực hiện tuần tra, kiểm soát, thậm chí kiểm tra 24/24 giờ hoặc đột xuất khi cần thiết. Nhìn chung, các điểm mỏ luôn khai thác đúng ranh giới, tọa độ được cấp phép và cam kết thực hiện đúng các quy định về khai thác được cấp trong giấy phép.
Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Tuấn thông tin, đơn vị được cấp giấy phép khai thác cát dưới lòng sông Đăk Bla, đoạn chảy qua địa phân xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum từ năm 2017. Trong quá trình hoạt động, ông ty đã thực hiện tốt những quy định của Nhà nước về khai thác khoáng sản cũng như đảm bảo an toàn cho người lao động khi làm việc trên các xà lan khai thác giữa lòng sông.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, hiện toàn tỉnh có 42 vị trí khai thác cát dưới lòng sông, suối được cấp phép. Với số lượng mỏ khai thác như hiện nay, nhìn chung đã đáp ứng được nhu cầu nguồn cát phục vụ xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Do đó, Do đó, tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn đã giảm đáng kể.
Ông Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum chia sẻ, trong công tác quản lý khai thác ở các khu vực mỏ đã được cấp phép, việc phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác có vai trò đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, thời gian qua, Sở đã thường xuyên phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt có kế hoạch kiểm tra đột xuất, nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm để kịp thời chấn chỉnh và xử lý theo quy định.
Ngoài ra, để kịp thời nắm bắt tình hình khai thác khoáng sản theo phản ánh thông tin từ người dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã thành lập Tổ công tác liên ngành tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn; đồng thời ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Trong năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện 8 cơ sở khai thác cát trái phép, xử phạt gần 120 triệu đồng. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2021, Sở cũng đã phát hiện 3 vụ, xử phạt gần 30 triệu đồng, thu hồi phương tiện, trang thiết bị và yêu cầu thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường.
“Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát đối với các khu vực khai thác đã được cấp phép, không để xảy ra việc khai thác quá mức hoặc ra ngoài phạm vi cho phép. Đặc biệt, ngành chức năng quản lý chặt hoạt động khai thác dưới lòng sông, tránh tình trạng sạt lở bờ sông, suối do khai thác khoáng sản; đồng thời, thực hiện chặt chẽ việc bảo vệ cát, sỏi dưới lòng sông chưa khai thác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, khai thác cát trái phép”, ông Võ Thanh Hải nhấn mạnh.
Dư Toán