Từ khi dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều tổ chức, cá nhân đã nỗ lực bảo tồn di sản bằng những việc làm cụ thể. Trong nỗ lực bảo tồn đó có sự đóng góp của hai chị em nghệ nhân Nguyễn Thị Sang (sinh năm 1954) và Nguyễn Thị Thềm (sinh năm 1959) cùng trú tại khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Hai nghệ nhân không chỉ trực tiếp truyền dạy Quan họ mà còn sưu tầm, thành lập thư viện Quan họ Sang Thềm để giới thiệu văn hóa Quan họ đến mọi người.
Quan họ là lẽ sống
Ở Bắc Ninh, với những người yêu Quan họ, nhắc đến hai nghệ nhân Nguyễn Thị Sang và Nguyễn Thị Thềm, mọi người đều biết đến. Hai nghệ nhân thường xuyên tham gia các sự kiện lớn liên quan đến Quan họ. Đây còn là hai cái tên quen thuộc trong các cuộc thi dân ca, lớp dạy học Quan họ trên địa bàn tỉnh.
Nói về tình yêu với Quan họ, nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm cho biết, chị em bà biết đến Quan họ từ mẹ mình (là chị hai Nguyễn Thị Các nổi tiếng trong nghề chơi Quan họ). Năm 7, 8 tuổi, mẹ bà tổ chức hát canh Quan họ tại nhà, chị em bà được nghe canh hát Quan họ từ đêm này sang đêm khác. Người Quan họ bên cạnh hát giao lưu với nhau còn tổ chức những bữa cơm Quan họ. Các liền chị, liền anh giao tiếp với nhau rất lịch thiệp, thể hiện rõ văn hóa ứng xử, lề lối của người Quan họ.
Cứ như vậy, ngày qua ngày, Quan họ ngấm dần vào hai nghệ nhân qua từng lời hát ru, hơi thở và trở thành lẽ sống của họ. Lớn lên, hai bà đã thuộc hàng trăm câu Quan họ, am hiểu tường tận lề lối sinh hoạt của người Quan họ, văn hóa ứng xử, tín ngưỡng Quan họ… Nối tiếp tình yêu Quan họ từ mẹ, hai bà tham gia sinh hoạt Quan họ trong làng, được đi giao lưu với các câu lạc bộ khác. Không chỉ dừng lại ở đó, hai nghệ nhân tiếp tục truyền tình yêu, niềm đam mê đến thế hệ sau này bằng cách dạy Quan họ miễn phí cho những người yêu Quan họ, thế hệ măng non tại địa phương, Câu lạc bộ Quan họ trong và ngoài tỉnh, trong trường học, nơi đào tạo nghệ thuật truyền thống như: Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh...
Là một trong số những người yêu Quan họ và được hai nghệ nhân Nguyễn Thị Sang, Nguyễn Thị Thềm truyền dạy, chị Ngô Thị Tiện, (khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) chia sẻ, sinh ra, lớn lên tại làng Quan họ gốc, chị rất yêu Quan họ. Chị đã tìm đến hai nghệ nhân để luyện hát. Mỗi câu Quan họ đều được hai nghệ nhân uốn nắn, chỉnh cho thuần thục. Đến nay, chị thuộc được hàng trăm làn điệu và tự tin đi giao lưu với các câu lạc bộ Quan họ khác.
Nơi lưu giữ không gian văn hóa Quan họ
Cùng với niềm đam mê Quan họ, hai nghệ nhân Nguyễn Thị Sang và Nguyễn Thị Thềm đã xây dựng ý tưởng thành lập Thư viện Quan họ Sang Thềm để lưu giữ, bảo tồn những giá trị Quan họ đến muôn đời sau. Hai bà đã dày công sưu tầm các tư liệu, hiện vật Quan họ nhiều năm và chính thức thành lập Thư viện tại nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm đầu năm 2022.
Trong căn phòng rộng hơn 30m2, vừa cẩn thận sắp xếp vật dụng, tư liệu trong thư viện, nghệ nhân Nguyễn Thị Sang vui vẻ nói: “Đây là thư viện gia đình nên không gian và hiện vật cũng không nhiều nhưng chúng tôi cố gắng bày trí tư liệu, hiện vật một cách khoa học để mỗi người đến đây đều cảm nhận được văn hóa Quan họ. Mỗi tư liệu, hiện vật được trưng bày đều có những câu chuyện riêng nên chỉ cần ai đã từng chơi, tìm hiểu Quan họ đều cảm nhận được. Đây cũng là mục đích mà chúng tôi thành lập thư viện”.
Hiện nay, Thư viện có hàng trăm cuốn tư liệu, lưu giữ các câu Quan họ của các câu lạc bộ trong tỉnh; tư liệu, hiện vật trong sinh hoạt Quan họ như, trang phục, dép của người Quan họ… phục vụ miễn phí cho người dân.
Chia sẻ về quá trình sưu tầm, thành lập Thư viện Quan họ, nghệ nhân Nguyễn Thị Sang cho biết, nhiều người khi biết bà có ý tưởng thành lập thư viện đã góp công, góp của để thư viện ngày càng phong phú. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc sưu tầm cũng dễ dàng, nhất là sưu tầm vật dụng cổ, kỷ vật của các anh hai, chị hai...
Trong số tư liệu, hiện vật được lưu giữ tại bảo tàng, quý nhất là những bộ trang phục Quan họ, bởi đây là hiện vật rất khó sưu tầm. Thư viện lưu giữ những bộ trang phục cách đây hơn 60 năm, kiểu dáng và chất liệu ngày nay rất khó phục dựng được. Việc sưu tầm tư liệu, hiện vật, bên cạnh niềm đam mê còn phải hiểu văn hóa Quan họ. Ví dụ như bộ trang phục của liền chị xưa kia, một bộ trang phục hoàn chỉnh có chiếc yếm sồi, chiếc áo cánh trắng cộc, áo cánh gụ dài tay và chiếc áo dài 5 thân cùng chiếc váy. "Một vật dụng không thể thiếu trong mỗi bộ trang phục Quan họ là “hai chiếc bao” thắt ngang lưng có thể là một bao hồng và một bao xanh hoặc một bao trắng và một bao xanh tùy sở thích từng người. Ngoài ra, liền chị Quan họ còn thắt thêm chiếc dây sồi để đeo xà tích...", Nghệ nhân Nguyễn Thị Sang cho biết thêm.
Thành lập Thư viện Quan họ, hai nghệ nhân mong muốn thường xuyên đón tiếp mọi người đến tham quan. Đây cũng sẽ là địa điểm giao lưu của những người yêu Quan họ, câu lạc bộ, đoàn khách du lịch tới nghe Quan họ và tìm hiểu về văn hóa dân ca Quan họ Bắc Ninh… Để làm được điều đó rất cần sự phối hợp của các cấp chính quyền trong việc giới thiệu thư viện cũng như làm cầu nối, tổ chức buổi giao lưu Quan họ.
Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh Nguyễn Văn Tý cho biết, thời gian qua, với tình yêu và niềm đam mê Quan họ, hai nghệ nhân Nguyễn Thị Sang, Nguyễn Thị Thềm đã có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Quan họ Bắc Ninh. Hai nghệ nhân vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, các cấp chính quyền tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh dân ca Quan họ Bắc Ninh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong bảo tồn Quan họ… Thư viện Quan họ Sang Thềm được thành lập như không gian văn hóa Quan họ thu nhỏ, là minh chứng cho thấy sức sống mãnh liệt của dân ca Quan họ Bắc Ninh trong cộng đồng, khẳng định dân ca luôn trường tồn và lan tỏa.
Thanh Thương