Lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc rất ít người

Bà con đồng bào người Cống ở vùng tái định cư bản Xám Láng, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè giữ gìn bản sắc dân tộc. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN.
Bà con đồng bào người Cống ở vùng tái định cư bản Xám Láng, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè giữ gìn bản sắc dân tộc. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN.

Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I có chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người” sẽ diễn ra từ ngày 3 - 5/11 tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu.

Lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc rất ít người ảnh 1Bà con đồng bào người Cống ở vùng tái định cư bản Xám Láng, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè giữ gìn bản sắc dân tộc. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN.

Đây là lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Ngày hội này. Đồng bào 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người như: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cơ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn và Ngái đến từ 13 tỉnh (Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum) sẽ tham gia Ngày hội.

Chia sẻ thông tin về sự kiện này, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Hải Nhung nêu rõ: Ngày hội nhằm tôn vinh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ít người, thực hành chính sách đoàn kết giữa các dân tộc, khẳng định phương châm các dân tộc đều bình đẳng như nhau. Bên cạnh đó, như chúng ta đã biết, văn hóa của đồng bào các dân tộc có số dân dưới 10.000 người hiện có nguy cơ mai một và cần có sự bảo tồn, phát huy giá trị. Do đó, cùng với bảo tồn các phong tục, tập quán tại địa phương, chúng ta cần tổ chức hoạt động thiết thực để các chủ thể văn hóa tham gia, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình và giao lưu, tìm hiểu văn hóa các dân tộc khác. Ngày hội sẽ góp phần giáo dục cho lớp trẻ ý thức dân tộc, tuy là dân tộc ít người cũng cần có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống để trao truyền cho các thế hệ sau ngọn lửa giữ gìn bản sắc.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND nhiều tỉnh, thành phố tổ chức luân phiên định kỳ Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên. Cùng với đó là Ngày hội của từng dân tộc như Mông, Thái, Dao, Khmer, Hoa, Mường; ngày hội các tuyến biên giới như Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia... nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và giao lưu quốc tế.

Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I sẽ gắn với Tuần Du lịch - Văn hóa tỉnh Lai Châu năm 2023. Trong khuôn khổ Ngày hội, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức: dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu; khai mạc chung hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Ban Tổ chức sẽ gặp mặt các nghệ nhân tiêu biểu, người có nhiều thành tích đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc. Cùng với đó là Liên hoan Văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; giới thiệu trích đoạn nghi lễ nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn từ Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Tuyên Quang...

Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người là cơ hội để Lai Châu giới thiệu bản sắc văn hóa đặc trưng, tiêu biểu, quảng bá, kích cầu, thu hút khách du lịch. Tỉnh tiếp tục mở rộng liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế; mở rộng thị trường, xây dựng các tour du lịch mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm