Các đoàn viên thanh niên thu gom rác thải trên bờ biển Quảng Trị. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN
|
Nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1-8/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6) và ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay, nhiều hoạt động làm sạch biển do các tổ chức, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên thực hiện, thực sự có ý nghĩa thiết thực.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm là dịp thể hiện lòng tự hào, ý thức dân tộc về chủ quyền biển đảo; từ đó mỗi người nhận thức và hành động với trách nhiệm công dân, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đây cũng là dịp khẳng định tiềm năng và nguồn lực to lớn của kinh tế biển; qua đó nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng, từ đó có hành động thiết thực bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; góp phần giữ gìn ổn định, phát triển đất nước.
Trong lịch sử phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước của chúng ta, biển đảo luôn là một một định hướng phát triển bền vững, là không gian mở cho sự phát triển đó, là sự ưu tiên và chú ý đặc biệt qua các thời đại trên các lĩnh vực địa kinh tế, địa chiến lược, địa chính trị.
Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, nhờ biển đảo mà ông cha ta đã định hình nên dải đất hình chữ S và biển đảo đã thực sự là không gian sống của cả dân tộc ta. Từ biển, nhân dân cả nước đoàn kết bảo vệ Tổ quốc, làm nên hai lần Bạch Đằng lẫy lừng lịch sử, làm nên Đường Hồ Chí Minh – con đường giữ nước huyền thoại trên biển trong thời đại ngày nay.
Hiện tại cả nước đang triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và làm giàu từ biển. Tuy nhiên biển đang đứng trước nhiều nguy cơ và những mối đe dọa đến môi trường sống như tác động của biến đổi khí hậu đã làm phát sinh nạn thủy triều đỏ, sự khai thác quá mức tài nguyên biển làm mất cân bằng sinh thái biển.
Như ở Biển Đông, Trung Quốc đã bồi đắp đảo nhân tạo trái phép trong vùng biển Trường Sa của Việt Nam tàn phá các rạn san hô. Chất thải công nghiệp và khai thác dầu gây ô nhiễm, rác thải sinh hoạt đổ xuống biển cũng đang là những tác nhân hủy hoại môi trường biển. Đây là vấn nạn toàn cầu, không loại trừ một quốc gia nào.
Đối với nước ta, để bảo vệ và giữ gìn môi trường biển Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế biển bền vững, nhằm bảo đảm duy trì nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường nguyên biển. Các địa phương cũng có nhiều chính sách hữu hiệu bảo đảm giữ gìn cảnh quan môi trường biển; chẳng hạn như thành phố Vũng Tàu đã có qui định cấm du khách không được nấu nướng, ăn uống trên bãi biển.
Nhiều cá nhân, đoàn thể đã ra quân làm sạch biển sau các kỳ nghỉ. Đó là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên như trên đã nói, biển là môi trường sống chung của con người, mỗi cá nhân, mỗi địa phương đều phải xem biển như là một ngôi nhà chung, nguồn sống chung cho mọi người.
Một khi đã nhận thức được như vậy thì mỗi người sẽ không có suy nghĩ và hành động phung phí, tàn phá tài nguyên biển, sẽ có ý thức giữ gìn tài nguyên và môi trường biển. Khi đó chúng ta sẽ ứng xử với biển có trách nhiệm từ trong ý thức đến hành vi, từ việc nhỏ thường ngày như không xả rác ra biển đến việc lớn là giữ gìn chủ quyền biển đảo và làm giàu từ biển.
Như vậy biển sẽ không phải chờ được làm sạch bằng các “phong trào”, các “chiến dịch” rất tốn kém như 500 đoàn viên thanh niên phải vượt biển ra làm sạch bờ biển đảo Cô Tô trong tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay.
Một khi đã nhận thức đúng về môi trường sống chung của biển thì con người sẽ phát động từ tâm mà làm những việc bình thường nhưng ý nghĩa, thiết thực.
Ví như một nữ du khách người Nga khi đến Nha Trang, một mình chị đã đi dọn rác trên bãi biển. Việc làm đó đã lôi kéo thêm nhiều du khách nước ngoài làm theo. Một việc làm giản dị và chân thực khiến cư dân sở tại phải nhìn lại mình mỗi khi ra biển và mỗi người Việt Nam chúng ta phải suy nghĩ, chạnh lòng.