Làm gì để “giải cứu” các đô thị ven biển Việt Nam?

Làm gì để “giải cứu” các đô thị ven biển Việt Nam?
Làm gì để “giải cứu” các đô thị ven biển Việt Nam? ảnh 1
Nhà của người dân bị sóng biển đánh sập tại khu dân cư ấp Cầu Muống xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Những ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu, đặc biệt là nguy cơ nước biển dâng đang là câu chuyện thời sự của cả thế giới, trong đó có Việt Nam – là quốc gia có bờ biển dài với nhiều đô thị ven biển trải khắp từ Bắc chí Nam.

Trước nguy cơ này, đề tài “NGHIÊN CỨU VÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH ĐÔ THỊ VEN BIỂN CÓ KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU” do GS. TS. Mai Trọng Nhuận làm chủ nhiệm đề tài đã được Trung tâm Nghiên cứu Đô thị triển khai.           
     
* Mức độ tổn thương của các đô thị ven biển do BĐKH

Đề tài đã  thu thập, hệ thống hóa dữ liệu về thực trạng đô thị hóa và tác động của BĐKH đến hệ thống đô thị ven biển Việt Nam và 5 ĐTVB điển hình (Hải Phòng, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Tp. Hồ Chí Minh, Rạch giá), và TP. Đà Nẵng - đô thị trình diễn của đề tài. 

Điều tra khảo sát bổ sung tại 5 đô thị này và khảo sát chi tiết, phỏng vấn hộ gia đình tại 56 phường xã thuộc 7 quận, huyện của đô thị Đà Nẵng về thực trạng đô thị hóa, tác động của BĐKH, năng lực thích ứng và khả năng dễ bị tổn thương với BĐKH của đô thị, cộng đồng và hộ gia đình. 

Hệ thống hóa, phân tích, tổng hợp số liệu, đánh giá tác động của các tai biến, năng lực thích ứng và khả năng dễ bị tổn thương với BĐKH của hệ thống đô thị ven biển Việt Nam và 5 đô thị điển hình phục vụ xây dựng mô hình đô thị ven biển có khả năng thích ứng với BĐKH.

Từ đó, nghiên cứu đề xuất cơ sở lý thuyết, phương pháp và quy trình xây dựng, nội dung mô hình đô thị ven biển Việt Nam có khả năng thích ứng với BĐKH, áp dụng cụ thể cho TP. Đà Nẵng (cấp thành phố) và tại khu vực điểm nóng của thành phố Đà Nẵng.

Thực tế cho thấy, ven biển Việt Nam có hai nhóm đô thị (sơn-thuỷ và đô thị thuỷ) khác nhau về điều kiện tự nhiên, mức độ nhạy cảm, khả năng thích ứng, tổn thương do BĐKH, thiên tai và đô thị hoá.

Đề tài đã phân tích và đánh giá đặc điểm tự nhiên, kinh tế-xã hội, quá trình hình thành, phát triển và quản lý đô thị và quá trình đô thị hóa ở các ĐTVB. Lần đầu tiên đề tài đã phân loại đô thị ven biển thành hai kiểu dựa vào sự có mặt các dải tự nhiên, cảnh quan và mức độ nhạy cảm với BĐKH gồm: đô thị sơn - thủy (Hạ Long, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang...) và đô thị thủy (Hải Phòng, Hội An, Tp. Hồ Chí Minh, Rạch Giá...). Đề tài đã phân tích và chỉ rõ các vấn đề còn tồn tại trong quy hoạch phát triển, quản lý đô thị, đặc biệt gắn những vấn đề liên quan với thích ứng BĐKH.

Đề tài đã phân tích chi tiết những biểu hiện của BĐKH tại 5 ĐTVB điển hình thông qua các biểu hiện bất thường về các yếu tố thời tiết (nhiệt độ, lượng mưa, tốc độ gió, số giờ nắng và lượng bốc hơi, nước biển dâng, dòng chảy và lũ lụt) và cường độ, tần suất của thiên tai bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt và mực nước biển dâng, nhiễm mặn và hạn hán, xói lở bờ biển, sạt lở bờ sông, bồi lắng cửa sông ven biển, trượt lở đất, cháy rừng.

Theo chiều giảm dần mức độ tác hại đến ĐTVB, có thể xếp các tai biến liên quan BĐKH vào thứ tự như sau: lũ lụt, bão, nhiễm mặn và xói lở, hạn hán và cháy rừng. Theo thứ tự giảm dần mức độ tổn thương của các ĐTVB điển hình có thể xếp chúng vào dãy như sau: Hội An, Rạch Giá, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nha Trang. Các phát hiện và kết quả đánh giá nêu trên là cơ sở xây dụng mô hình ĐTVB có khả năng thích ứng với BĐKH.

Có thể khẳng định, hệ thống ĐTVB Việt Nam đa dạng về điều kiện tự nhiên , bao gồm cả các đô thị sơn thủy (có núi, đồi, sông, biển...) và đô thị thủy (chủ yếu phát triển trên vùng đất thường thấp ven sông, ven biển, ven hồ) đã và đang bị tác động và tổn thương mạnh do BĐKH (lũ lụt, bão, nhiễm mặn và xói lở, hạn hán và cháy rừng). 

Các ĐTVB Việt Nam chưa có quy hoạch phát triển đô thị lồng ghép với đánh giá tác động của BĐKH. Theo mức độ giảm dần về tác động, tổn thương do BĐKH, có thể xếp 5 thành phố nghiên cứu theo thứ tự: Hội An, Rạch Giá, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nha Trang.

*Xây dựng khả năng thích ứng cho Đà Nẵng

Đà Nẵng là thành phố sơn thuỷ điển hình đang chịu tác động mạnh từ BĐKH thông qua các biểu hiện của BĐKH và các tai biến bão, lũ lụt, nhiễm mặn, hạn hán, trượt lở mái dốc, xói lở bờ, bồi lắng cửa sông, cháy rừng trong bối cảnh đô thị hóa tốc độ cao.Mức độ tổn thương do từng tai biến gây ra trên phạm vi toàn thành phố có thể phân biệt thành các vùng từ rất cao đến thấp. 

Mức độ tổn thương do tổ hợp các tai biến gây ra có giá trị thấp ở các quận Sơn Trà, Hải Châu; trung bình ở Các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê; cao ở các Quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Khả năng thích ứng tự nhiên của Đà Nẵng thuộc loại cao nhờ có cả núi (Bà Nà, Hải Vân), đồi, vùng đất cao, bán đảo, bờ biển uốn lượn, đa dạng hệ sinh thái, cảnh quan tụ nhiên, bán tự nhiên. 

Khả năng chống chịu xã hội cao nhờ có hệ thống hạ tầng tốt. Khả năng thích ứng với từng tai biến của TP. Đà Nẵng được chia thành 4 cấp từ thấp đến rất cao. Khả năng thích ứng tổng hợp với BĐKH của 16 phường thuộc loại rất cao, 11 phường thuộc loại cao, 16 phường thuộc loại trung bình, và 13 phường/ xã, thuộc loại thấp.

Lần đầu tiên, khung nội dung, các tiêu chí và chỉ số của các mô hình ĐTVB có khả năng thích ứng với BĐKH được xây dựng ở Việt Nam dựa trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước, các đặc thù của hệ thống ĐTVB Việt Nam.

Các mô hình đô thị Đà Nẵng có khả năng thích ứng với BĐKH được xây dựng gồm: Mô hình tổng quát TP. Đà Nẵng có khả năng thích ứng với BĐKH; mô hình quy hoạch đô thị Đà Nẵng có khả năng thích ứng với BĐKH; Mô hình phát triển kinh tế đô thị Đà Nẵng có khả năng thích ứng với BĐKH; Mô hình phát triển xã hội đô thị Đà Nẵng có khả năng thích ứng với BĐKH; mô hình quản trị đô thị Đà Nẵng có trách nhiệm giải trình cao, có khả năng thích ứng với BĐKH; các mô hình ĐTVB chuyên biệt có khả năng thích ứng với BĐKH tại khu vực các điểm nóng (diễn thế đô thị tự phát; tai biến bão, áp thấp nhiệt đới và ngập lụt; nhiễm mặn và hạn hán) cho TP. Đà Nẵng.

*Cần ứng dụng trong quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị 

Đề tài đã xây dựng hệ thống CSDL trên nền WEBGIS cho hệ thống ĐTVB Việt Nam và 6 thành phố Hải Phòng, Hội An, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Rạch Giá và Đà Nẵng.  Hệ thống CSDL được sử dụng để phục vụ tra cứu, hiển thị dữ liệu trực tuyến, phân tích dữ liệu, đánh giá và quan trắc được khả năng thích ứng của các ĐTVB với BĐKH. 

Đề tài đã xây dựng luận chứng và cơ sở xây dựng mạng quan trắc tai biến liên quan với BĐKH (bão, ngập lụt, nhiễm mặn, hạn hán, trượt lở, xói lở và bồi lắng cửa sông) trên phạm vi đô thị. Đề tài đã đề xuất mạng quan trắc tai biến trên phạm vi Tp. Đà Nẵng phục vụ đánh giá tác động của BĐKH.

Việc cần thiết là ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài: đề nghị các cơ quan hữu quan cho phép ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo các nhóm sản phẩm như sau. 

Các mô hình ĐTVB có khả năng thích ứng được sử dụng để phục vụ công tác quản lý đô thị thích ứng với BĐKH; lồng ghép những nội dung của mô hình vào chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, phát triển và thiết kế ĐTVB thích ứng với BĐKH để PTBV; làm căn cứ cho tư vấn khảo sát, thiết kế các dự án đầu tư xây dựng ĐTVB bền vững và thích ứng tốt với BĐKH; mở rộng hợp tác với các tổ chức, mạng lưới trong và nước và quốc tế để nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với BĐKH và thịnh vượng của đô thị;

- Cơ sở lý luận và phương pháp có thể phục vụ xây dựng, phát triển, điều chỉnh mô hình đô thị thích ứng với BĐKH; Sau khi điều chỉnh, bổ sung có thể dùng để xây dựng các mô hình khác như: mô hình PTBV đô thị, thành phố thịnh vượng, thành phố đáng sống trong bối cảnh BĐKH; Sử dụng bộ tiêu chí ĐTVB có KNTU để xây dựng các bộ tiêu chí khác như bộ tiêu chí về đô thị bền vững, đô thị đáng sống, đô thị thịnh vượng ứng phó với BĐKH,…

CSDL, hệ thống quan trắc được sử dụng làm cơ sở để xây dựng, điều chỉnh chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh kinh tế- xã hội, quy hoạch, thiết kế ĐTVB thích ứng với BĐKH để PTBV. Đây là dữ liệu nền để đánh giá kết quả thực hiện mô hình liên quan BĐKH; Tích hợp vào hệ thống CSDL của tỉnh/Tp trực thuộc trung ương, CSDL về ứng phó BĐKH của địa phương, cả nước.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm