Lâm Đồng tiếp thu kiến nghị của đồng bào dân tộc trong phát triển kinh tế-xã hội

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: nhandan.vn
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: nhandan.vn

Chiều 21/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị gặp mặt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đại diện các tầng lớp nhân dân trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2023. Hội nghị có sự tham gia của 40 đại biểu là chức sắc, người có uy tín, già làng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Lâm Đồng tiếp thu kiến nghị của đồng bào dân tộc trong phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1Quang cảnh hội nghị. Ảnh: nhandan.vn

Tại Hội nghị, nhiều già làng, người có uy tín, chức sắc là người đồng bào dân tộc thiểu số đã bày tỏ các kiến nghị, đề xuất đối với chính sách, chủ trương trong lĩnh vực kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc. Ông K’ Brệp là người tiêu biểu xã Bảo Thuận (huyện Di Linh) phản ánh: Địa bàn xã Bảo Thuận có đa phần là đồng bào dân tộc K’Ho sinh sống tại chỗ. Một vấn đề cấp bách hiện nay là tỷ lệ thất nghiệp của người dân khá cao nên rất mong địa phương có chính sách xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế, hoặc mở công ty để tạo việc làm cho lao động tại chỗ.

Ông K’Brối, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Liên Hà (huyện Lâm Hà) nêu ý kiến, thời gian qua, công tác thi tuyển công chức đối với địa bàn còn chưa phù hợp, còn nhiều khó khăn đối với con em đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, ông kiến nghị, địa phương cần có cơ chế, giải pháp hài hòa hay chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc nhằm giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng hiện nay việc tách thửa đất nông nghiệp trên địa bàn còn gặp nhiều vướng mắc khiến bà con gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cũng như định cư. Ông Nông Văn Điển, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh) đề xuất, thủ tục tách thửa đất hiện nay đã rất "nhiêu khê" do người dân phải đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng thực hiện, các địa bàn ở xa như huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên... gặp khó khăn. Ông kiến nghị thủ tục này có thể chuyển về cấp huyện xử lý để giải quyết nhu cầu tách thửa đất cho con cái trong gia đình được thuận lợi hơn, giúp người dân có đất sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đường Anh Ngữ, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, thông qua việc cung cấp thông tin tại hội nghị, đại diện các sở, ngành sẽ tiếp thu phản ánh các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của đại diện đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Qua đó, có giải pháp phù hợp trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chính sách dân tộc và công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Dịp này, các đại biểu cũng được nghe cũng thông tin tóm tắt tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; những kết quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và công tác Mặt trận; kết quả tiếp thu, giải quyết kiến nghị của đại biểu các tầng lớp nhân dân trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng trong năm 2022.

Nguyễn Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm