Lâm Đồng thu hút, trọng dụng nhân tài người dân tộc thiểu số

Nằm ở phía Nam Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng hiện có 47 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 26,1% dân số toàn tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã chú trọng triển khai các giải pháp quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong từng giai đoạn.

t4_01_thcs_20240220185145.jpg
Mặc dù có nhiều nỗ lực song công tác thu hút, trọng dụng nhân tài người DTTS ở tỉnh Lâm Đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: baolamdong.vn

Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, trong tổng số gần 78.000 hộ với trên 347.800 người là đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh, có trên 223.600 người là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên; còn lại là dân tộc thiểu số các địa phương di cư đến Lâm Đồng qua các thời kỳ.

Sau Nghị quyết số 14-NQ/TU ban hành vào tháng 10/2018, đến tháng 7/2022, Tỉnh ủy Lâm Đồng tiếp tục có Nghị quyết số 20-NQ/TU về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2030. Theo đó, phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ thường xuyên và có tính chiến lược lâu dài; là một trong 4 khâu đột phá chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành và trách nhiệm của cả xã hội.

Cùng với chính sách ưu tiên trong cử tuyển đi học các lớp Đại học, Cao đẳng, hỗ trợ kinh phí học tập, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm. Hầu hết đội ngũ này đều được đào tạo đạt chuẩn về chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Theo thống kê, hiện, tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong biên chế từ cấp tỉnh đến cấp xã có 3.658 người; trong đó có 2 Tiến sỹ, 41 Thạc sỹ, 2.128 người có trình độ Đại học, 849 Cao đẳng, 631 Trung cấp… Nhiều người giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính quyền địa phương.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho biết, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt chính sách dân tộc nói chung và chính sách phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc nói riêng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nguồn lực vùng dân tộc thiểu số đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ, phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm nâng cao mức sống, trình độ dân trí, giảm nhanh khoảng cách giàu nghèo giữa vùng dân tộc thiểu số với miền xuôi và thành thị; đổi mới công tác quản lý giáo dục ở những cơ sở có đông học sinh người dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng đầu ra; quan tâm đầu tư giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh người dân tộc thiểu số...

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm