Lãnh đạo sở Nông Nghiệp kiểm tra ảnh hưởng của sương muối tại huyện Lạc Dương. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN |
Tại các xã Đa Nhim, Đạ Chais, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo sát thực tế tình hình tác động của sương muối, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục và phương án canh tác lâu dài. Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, những ngày qua trên địa bàn xuất hiện sương muối gây thiệt hại nặng đến cây cà phê và hoa màu khác của bà con nông dân các xã Đạ Chais, Đạ Nhim và Đạ Sar của huyện Lac Dương.
Cây cà phê bị chết do sương muối tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN |
Thống kê ban đầu cho thấy, có gần 468 ha cà phê và hoa màu của hơn 800 hộ dân tại địa bàn 3 xã này bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại ước hơn 49 tỷ đồng. Trong số này riêng cây cà phê bị thiệt hại hơn 434 ha; trong đó có 375 ha bị thiệt hại từ 70% trở lên. Ông Bùi Văn Trình – Phó Chủ tịch UBND xã Đa Nhim cho biết, do ảnh hưởng của sương muối khiến trên 259 ha nông nghiệp bị ảnh hưởng; trong đó diện tích cà phê bị thiệt hại trên 233 ha, còn lại là hoa màu như cây ăn quả, ngô. Sau khi khảo sát, chính quyền địa phương sẽ có đề xuất chuyển đổi một số diện tích cà phê ở những đồi cao thiếu nước tưới sang trồng cây hồng và trồng cây Atisô ở những vùng thấp. Tại xã Đạ Sar, tổng số hộ bị ảnh hưởng 80 hộ với diện tích thiệt hại khoảng 10 ha. Thiệt hại nặng nề nhất là xã Đạ Chais, diện tích bị thiệt hại trên 198 ha; trong đó diện tích cà phê bị thiệt hại 191 ha.
Diện tích hoa màu và cà phê bị thiệt hại do sương muối. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN |
Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trước tình hình sương muối ngành nông nghiệp đã báo cáo nhanh với UBND tỉnh, đồng thời thực hiện những giải pháp kỹ thuật cho bà con nông dân trong huyện khôi phục sản xuất. Đối với những vườn bị ảnh hưởng nhẹ thì tiến hành tỉa cành, chăm bón kịp thời ngay trong tháng 2 này. Đối với những diện tích cà phê bị hư hại trên 70% không có khả năng phục hồi thì tiến hành cưa đốn cây chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Về phương án hỗ trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bố trí nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng và chương trình tái canh cà phê năm 2020 để hỗ trợ nông dân khôi phục và trồng mới những diện tích không thể khôi phục. Đối với diện tích không phù hợp thì cho tiến hành chuyển đổi cây trồng phù hợp như cây hồng ăn trái, đồng thời vận động trồng cây che bóng hạn chế tác của sương muối.
460 ha hoa màu và cà phê bị thiệt hại do sương muối. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN |
Ngoài ra, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ áp dụng công nghệ vào sản xuất như lắp một số thiết bị cảm biến về khí hậu, thời tiết để hạn chế thấp nhất thiệt hại do khí hậu gây ra.
Đặng Tuấn