Đến giữa tháng 9/2015, hơn 10 thành viên của HTX Lộc Phát ở xã Phú Hội, Đức Trọng tiếp tục đạt sản lượng thu hoạch rộ từ 2,5-3 tấn rau xà lách xoong mỗi ngày. Thu hoạch đến đâu, HTX đóng gói tiêu thụ đến đó. Anh Trần Văn Dũng, thành viên HTX nói: “Mặc dù trong năm qua có thời điểm mặt bằng giá giảm xuống, nhưng HTX vẫn đảm bảo ổn định thị trường tiêu thụ xà lách xoong cho vùng nguyên liệu Phú Hội, Đức Trọng. So sánh với các loại cây trồng khác trước đây (như cây lúa 2 vụ/năm) thì cây xà lách xoong vẫn là ưu tiên chọn lựa canh tác của tất cả các thành viên HTX chúng tôi. Bởi tính ra giá trị tăng thêm từ trồng xà lách xoong so với trồng lúa gần 3 năm trước đây đã lên đến cả trăm triệu đồng mỗi héc ta…”. Cũng với việc phát huy tính chủ động, tự quyết định của từng thành viên, Tổ Hợp tác Đất Mới, Đà Lạt đã làm chiếc cầu nối chuyển đổi giống mới, chuyển giao kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm tìm kiếm thị trường, bố trí sản xuất thích hợp trên từng chủng loại nông phẩm khác nhau. Trong đó đáng ghi nhận ở hộ nông dân Vũ Đình Phúc đã đi đầu chuyển đổi có kết quả 1,5ha đất trồng rau, hoa ứng dụng quy trình sản xuất công nghệ cao như sản xuất trong nhà kính, tưới tự động phun mưa, nhỏ giọt… đồng thời trực tiếp “cầm tay chuyển đổi” đến nhiều hộ nông dân khác quanh vùng. Sau đó, ông Phúc đứng ra vận động thành lập Tổ Hợp tác Đất Mới, Đà Lạt, phổ biến kinh nghiệm chuyển đổi giống mới, quy trình mới, đến nay đã có gần 10 hộ thành viên cùng tích cực nhân rộng mô hình sản xuất công nghệ cao đến gần 10ha, tăng lên giá trị lợi nhuận đạt trung bình 400-500 triệu đồng/ha/năm. Ông Phúc phân tích thêm: “Trước kia với phương pháp nỉa đất thủ công trên 1.000 mét vuông đất phải cần đến 10 lao động (làm việc 8 giờ/ngày) thì nay hầu hết thành viên trong Tổ Hợp tác Đất Mới đều áp dụng cơ giới chỉ còn 1 giờ lao động/người, nên đã tiết kiệm khá lớn chi phí đầu vào, từ đó tạo ra giá trị gia tăng đáng kể trên từng đơn vị diện tích đất sản xuất…”.
HTX Tiến Huy, Đức Trọng hàng ngày thu mua nhiều tấn rau của hộ gia đình thành viên. |
Theo khảo sát mới đây của Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng, những mô hình mới về kinh tế hợp tác hiệu quả đều hướng đến lợi ích trực tiếp của từng thành viên. Như mô hình HTX hoạt động dịch vụ đầu vào, trong đó rõ nét là làm đại ý cho các công ty sản xuất phân bón và bán trả chậm cho hộ gia đình thành viên, tập trung chủ yếu ở các vùng sản xuất cây công nghiệp như: Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm. Có thể kể tên 11 HTX điển hình ở đây là: HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Phát, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Sơn, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiện Lập, HTX Tây Di Linh, HTX Tiến Phát, HTX Hòa Phát, HTX Hiệp Phát, HTX An Lạc, HTX Thạnh Nghĩa, HTX Cà phê Lâm Viên và HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Di Linh. Với mô hình HTX tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, tọa lạc trên các vùng nguyên liệu rau, màu ở Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà gồm các thương hiệu tiêu biểu với các hoạt động liên kết với các công ty, doanh nghiệp và hệ thống siêu thị trên toàn quốc như: Anh Đào, Xuân Hương, Tân Tiến, Tiến Huy, Phi Vàng. Đây là những thương hiệu HTX. Ngoài ra còn có đơn vị kinh tế hợp tác đã tích cực hướng dẫn quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa giống cho hộ gia đình thành viên, điển hình là HTX Dịch vụ nông nghiệp Trung Thành, Cát Tiên. Hoặc theo thống kê khoảng 12 HTX vừa tổ chức cung cấp thức ăn gia súc, vừa hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và làm đầu mối ký kết hợp đồng bao tiêu sản lượng sữa cho hộ gia đình thành viên, trong đó tiêu biểu có 2 đơn vị là HTX Chăn nuôi bò sữa Đạ Ròn và HTX Chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt…
Nếu nhìn tổng thể thì những mô hình kinh tế hợp tác tạo giá trị gia tăng cho kinh tế hộ gia đình thành viên nói trên vẫn chiếm tỷ lệ còn khá khiêm tốn, nên các cấp ngành liên quan trong tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục tạo thêm nhiều nguồn ưu tiên, hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật cùng các điều kiện thuận lợi khác để nhân rộng nhiều và nhiều hơn nữa những mô hình này trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.
Báo Lâm Đồng