Những năm qua, UBND tỉnh Lai Châu luôn đặc biệt quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chè cùng với thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến. Tỉnh đã chủ động hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè và xúc tiến đầu tư để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Qua đó, góp phần ổn định, cải thiện đời sống của người dân trồng chè và nhiều sản phẩm chè có chất lượng từng bước khẳng định thương hiệu trong và ngoài nước.
Hiện nay, tỉnh Lai Châu có 8.888 ha chè; trong đó, diện tích chè kinh doanh 6.931 ha, sản lượng từ đầu năm 2022 đến nay khoảng 32.500 tấn. Diện tích chè tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 5.700 ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích.
Lai Châu có 211 ha chè đã được cấp giấy chứng nhận theo các quy trình kỹ thuật an toàn, chiếm 2,4% tổng số diện tích chè toàn tỉnh; trong đó có 60 ha được chứng nhận VietGAP; 25,96 ha chè được chứng nhận hữu cơ và 125,57 ha chè được chứng nhận RA. Toàn tỉnh có 92 cơ sở chế biến chè; trong đó, có 23 công ty doanh nghiệp, hợp tác xã và 69 cơ sở chế biến nhỏ lẻ tập trung nhiều ở thành phố Lai Châu và huyện Tân Uyên.
Một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường, Công ty cổ phần trà Than Uyên, Công ty cổ phần chè Hồng Đức đã đầu tư công nghệ chế biến sâu, với các sản phẩm đóng gói tiêu thụ trực tiếp ra thị trường như: Trà Ô long, Matcha, Sencha, Đông Phương Mỹ Nhân, Hồng trà, trà xanh... Các sản phầm chè còn lại chủ yếu là trà xanh sao lăn được chế biến thô, xuất bán cho đơn vị khác ngoài tỉnh để đóng gói, chế biến, tiêu thụ.
Tuy nhiên, thời gian qua việc chăm sóc, thâm canh theo quy trình, kỹ thuật ở một số vùng chè trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa được quan tâm đúng mức. Một số vùng thiếu liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân trong khâu quản lý, sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ chè; thu mua sản phẩm chè không thực hiện các hợp đồng liên kết. Qua đó, gây ảnh hưởng lớn tới quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè ở Lai Châu.
Trước thực trạng đó nhiều công ty, doanh nghiệp chè ở Lai Châu đã có những giải pháp nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè. Điển hình Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường hiện đang liên kết với người dân huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ và thành phố Lai Châu gần 3.000 ha chè. Đặc biệt; trong số đó, có 28 ha chè được chứng nhận hữu cơ organic, 80 ha được chứng nhận RA, diện tích còn lại sản xuất theo quy trình truy xuất nguồn gốc.
Bà Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường cho biết: Để đảm bảo vùng nguyên liệu có chất lượng, công ty đã phân ra từng vùng chè với các loại chè A, B, C có giá từ 5.000 - 12.000 đồng/kg chè tươi. Riêng vùng chè tại xã Bản Bo, huyện Tam Đường, công ty cấp 100% thuốc bảo vệ thực vật cho người dân.
Cùng đó, công ty thường xuyên tuyên truyền bà con đầu tư thâm canh vùng nguyên liệu tạo ra năng suất chất lượng; tổ chức thu hái đúng thời gian, đúng lứa đảm bảo chất lượng chè tươi. Mặt khác, cử cán bộ kỹ thuật quản lý, theo dõi việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của bà con để quy hoạch vùng nguyên liệu làm chứng nhận tạo ra nhiều sản phẩm chè mở rộng thị trường.
Hiện toàn bộ sản phẩm chè của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường được xuất bán sang các thị trường Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 40%, Trung Đông 45%, châu Âu chiếm 10%, số còn lại được tiêu thụ trong nước; trong đó, năm 2021, công ty xuất bán sang thị trường Trung Đông gần 3.000 tấn chè xanh bán với giá từ 1,2 USD - 3 USD.
Về quản lý vùng nguyên liệu chè nói chung, thời gian qua tỉnh Lai Châu đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giải pháp kỹ thuật để quản lý vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị chè.
Trong điều kiện giá vật tư nông nghiệp tăng cao, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ; sử dụng phân bón hữu cơ bằng các phụ phẩm nông nghiệp để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm chè.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tập huấn, thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh buôn bán vật tư nông nghiệp, tổ chức lấy mẫu phân tích chất lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, trải qua nhiều năm thăng trầm, đến nay cây chè đã khẳng định được vị thế và trở thành sản phẩm có giá trị, tiềm năng của tỉnh; góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Hiếm có tỉnh nghèo nào như Lai Châu mà dám chi ngân sách khổng lồ cho phát triển nông nghiệp; trong đó, có cây chè.
Nhằm nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè, Lai Châu tiếp tục tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của một số tỉnh có vùng nguyên liệu lớn để quản lý thâm canh theo hướng an toàn. Thành lập Đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra tổng thể lại quá trình phát triển cây chè ở các góc độ quy trình, tiêu chuẩn, kỹ thuật sản xuất, thâm canh; tổ chức liên kết hình thành vùng nguyên liệu; hợp đồng liên kết, thu mua, chế biến; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; buôn bán, cung ứng thuốc vật tư bảo vệ thực vật... để đánh giá lại thực trạng và chỉ ra trách nhiệm của các bên.
Đồng thời, tỉnh tổ chức, phát động các phong trào thi đua trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân trồng chè thực hiện ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi với doanh nghiệp, hợp tác xã.
Mặt khác, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng ứng dụng công nghệ, chế biến sâu, hướng tới xuất khẩu; quản lý chặt chẽ sử dụng vật tư đầu vào trong vùng nguyên liệu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, tỉnh yêu cầu các địa phương, các doanh nghiệp chè tuân thủ quy trình kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vào sản xuất, chế biến chè VietGAP, hữu cơ; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
Nguyễn Oanh