Chiều 21/5, tại thị trấn Tân Uyên (Lai Châu), UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nhằm quán triệt và triển khai các chính sách của Chính Phủ và Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển nông nghiệp - nông thôn đến các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã để kịp thời nắm bắt, tiếp thu, giải đáp các kiến nghị, cũng như đề xuất của địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn để đảm bảo mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh bền vững.
Đồng chí Đặng Văn Châu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu phát biểu đánh giá về những thuận lợi và khó khăn và những hạn chế trong ngành nông nghiệp. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải đánh giá, Lai Châu có rất nhiều tiềm năng lợi thế để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng cũng như mặt hồ các công trình thủy điện trên địa bàn. Đây là thế mạnh để các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh, nên cần phát huy thế mạnh để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.
Để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tỉnh Lai Châu đã ban hành và triển khai nhiều chính sách như: chính sách chuyển đổi đất sang trồng cây cao su; chính sách phát triển vùng chè chất lượng cao; chính sách phát triển trồng quế, sơn tra, cây ăn quả và hỗ trợ phát triển chăn nuôi với tổng vốn gần 400 tỷ đồng… Ngoài ra, còn có các chương trình như hỗ trợ phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất hàng hóa tập trung bình quân đạt 33,7 tỷ đồng/năm; hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên 413 tỷ đồng/năm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, ngoài các chính sách hỗ trợ chung theo quy định, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn như: Chính sách cho thuê đất, góp vốn bằng hình thức quyền sử dụng đất; hỗ trợ chuyển đổi phương thức sản xuất, công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm…
Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH Chè Tam Đường cho biết, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đều mong muốn được tạo điều kiện về cơ chế chính sách, đất đai, hỗ trợ vốn hoặc được vay vốn lãi suất ưu đãi để các đơn vị đầu tư, mở rộng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Đặc biệt sớm thành lập Hiệp hội nông sản Lai Châu và xây dựng mối liên kết với nông dân về thu mua, bao tiêu sản phẩm một cách bền vững.
Trước đó, đoàn công tác của tỉnh cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã đi thực địa thăm quan học hỏi kinh nghiệm một số mô hình sản xuất phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Uyên (Lai Châu) như: Mô hình trồng Giổi xen chè, Mắc ca xen chè tại xã Phúc Khoa; Mô hình chăn nuôi gia súc tập trung; Mô hình trồng chanh leo tại Thị trấn Tân Uyên; Mô hình trồng chuối, nuôi ong tại xã Pắc Ta và Hố Mít huyện Tân Uyên (Lai Châu).
Việt Hoàng