Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động du lịch của tỉnh sôi động trở lại, doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng cao so với mọi năm.
Lai Châu là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch như dãy núi Hoàng Liên Sơn đứng đầu trong “Tứ đại đỉnh đèo” Việt Nam, đèo Ô Quy Hồ, quần thể hang động Pu Sam Cáp, cao nguyên Sìn Hồ. Tỉnh sở hữu 6/10 ngọn núi nằm trong "top" những ngọn núi hùng vĩ nhất cả nước như: Pu Si Lung, Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử… với bạt ngàn sắc hoa đỗ quyên, thảm thực vật, biển mây trắng bồng bềnh. Không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Lai Châu có bề dày lịch sử, văn hóa phong phú, đặc sắc của 20 dân tộc, là cầu nối giữa hai điểm du lịch nổi tiếng Sa Pa, Điện Biên Phủ.
Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, sau 18 năm tái lập tỉnh, Lai Châu đã bảo tồn, khai thác hợp lý các giá trị lịch sử, văn hóa vật thể, phi vật thể và tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, tỉnh đã xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như: du lịch chinh phục thiên nhiên; du lịch cộng đồng homestay kết hợp với trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa; du lịch lòng hồ thủy điện và du lịch thể thao mạo hiểm.
Đến nay, các sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm của Lai Châu thu hút đông đảo du khách, có lợi thế cạnh tranh trong khu vực và cả nước.
Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết, trong 4 tháng đầu năm, Lai Châu đón 263.225 lượt khách du lịch (đạt hơn 53,72% so với kế hoạch năm 2022), tập trung tại một số điểm du lịch như: Cầu kính Rồng mây, cọn nước bản Nà Khương và Phiêng Tiên, bản Sì Thâu Chải, bản Thẳm, bản Sin Suối Hồ, chợ đêm San Thàng… Trong đó, chủ yếu khách du lịch nội địa và các đoàn khách đến từ thị trường tiềm năng như Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Tây Nam Bộ. Tổng doanh thu du lịch và dịch vụ du lịch 4 tháng đạt hơn 222 tỷ đồng, tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Lai Châu đã đón hơn 17.200 lượt khách đến lưu trú, tham quan, với doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 12 tỷ đồng. Lượng khách đến Lai Châu là động lực cho ngành Du lịch tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển các loại hình du lịch tỉnh có thế mạnh riêng.
"Các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện nghiêm túc việc bình ổn, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, tạo ấn tượng tốt đối với du khách. Đến nay, ngành chức năng chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực nào trong hoạt động du lịch", ông Trần Quang Kháng cho biết thêm.
Ngoài những sản phẩm du lịch đã đưa vào khai thác, thời gian tới, Lai Châu tập trung nguồn lực, kêu gọi, thu hút đầu tư vào các dự án du lịch tiềm năng như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Cao nguyên Sìn Hồ, khu du lịch Thác Tác Tình gắn với chinh phục đỉnh Pu Ta Leng; quần thể khu du lịch đèo Hoàng Liên Sơn, khu du lịch sinh thái đỉnh Pu Si Lung; khu du lịch sinh thái Pú Đao kết hợp với lòng hồ thủy điện Lai Châu, khu du lịch sinh thái vùng chè gắn với suối khoáng nóng huyện Tân Uyên…
Năm 2022, Lai Châu phấn đấu đón 490.000 lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt 437 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục hợp tác trong nhóm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, nhất là với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để kết nối các doanh nghiệp lữ hành Lai Châu và doanh nghiệp lữ hành khu vực phía Nam nhằm trao đổi, khai thác lượng khách du lịch tới địa phương.
Tỉnh thực hiện nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm, tập trung nghiên cứu phát triển các tour, triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ du lịch...
Đinh Thùy