Lai Châu chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô

Diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt tại huyện Mường Tè. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt tại huyện Mường Tè. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Lai Châu đang bước vào mùa hanh khô. Tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai linh hoạt biện pháp phòng, chống cháy rừng nhằm hạn chế thấp nhất vụ cháy rừng xảy ra.

Lai Châu chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô ảnh 1Diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt tại huyện Mường Tè. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Mường Tè là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lai Châu, với gần 268.000ha, trong đó, rừng tự nhiên hơn 170.000ha. Với phương châm phòng là chính, ngay những ngày đầu mùa khô hanh, lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương xuống từng bản tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức về phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân; tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khống chế các vụ cháy rừng xảy ra.

Ông Đao Văn Hân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Tè cho biết, nhằm chủ động phòng, chống cháy rừng, Hạt Kiểm lâm chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Kiểm lâm địa bàn các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn bà con biện pháp bảo vệ rừng và xử lý thực bì, trồng rừng không cháy lan vào rừng; sẵn sàng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra để hạn chế mức thiệt hại thấp nhất.

Mùa khô hanh năm 2022 - 2023, toàn tỉnh xảy ra hơn 40 vụ cháy rừng, gây thiệt hại khoảng 200ha rừng. Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy rừng ngoài điều kiện khách quan do thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài, vẫn còn bộ phận không nhỏ người dân ý thức kém trong việc chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy rừng xảy ra, UBND tỉnh Lai Châu đã có chỉ đạo tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2023 - 2024.

UBND tỉnh Lai Châu đề nghị, UBND các huyện, thành phố chủ động tuyên truyền, phổ biến, thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; củng cố, kiện toàn và tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương; chỉ đạo chủ rừng thành lập, kiện toàn lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; duy trì tổ, đội chuyên trách bảo vệ rừng thôn bản; rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện chủ động sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo đúng phương châm “4 tại chỗ”.

Trong thời gian nắng nóng, nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên, các Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã phân công thành viên, cán bộ thường trực 24/24 giờ tại trụ sở cơ quan kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết để tiếp nhận thông tin báo cháy; tăng cường lực lượng tuần tra, phát hiện đám cháy rừng và thảm cỏ để triển khai kịp thời biện pháp chữa cháy hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; nghiêm cấm hoạt động có sử dụng lửa trong rừng, ven rừng...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm biện pháp chữa cháy rừng.

Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, dự báo, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng để phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền đến người dân khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV và cấp V; theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng để có phương án ứng phó kịp thời.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu, Cổng thông tin điện tử tỉnh, các cơ quan báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.

Việt Hoàng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm