Cử tri Lai Châu đề nghị quan tâm bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 4/11, theo dõi phiên thảo luận đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, cử tri tỉnh Lai Châu đánh giá cao các ý kiến giải trình đã đi sâu, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Quan tâm đến nội dung chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cử tri Lai Châu cho rằng, nội dung thảo luận, ý kiến giải trình đã giúp các cấp, ngành, địa phương hiểu rõ hơn nữa về phương hướng, mục tiêu, những vướng mắc trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất quốc gia cũng như trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quản lý, sử dụng đất; đặc biệt là những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 so với Luật Đất đai năm 2013.

Ông Mai Văn Thạch, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu cho rằng, khi chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua, trước mắt chưa có tác động lớn đối với việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1585/QĐ-TTg ngày 7/12/2023. Tuy nhiên, trong quá trình lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, tỉnh Lai Châu sẽ đề xuất điều chỉnh tăng một số chỉ tiêu đất như: Đất giao thông, đất thể dục thể thao, đất công trình năng lượng, đất quốc phòng, đất an ninh cho địa phương để bố trí quỹ đất thu hút các đầu tư có tiềm năng theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng- an ninh của tỉnh đến năm 2030.

Chủ tịch UBND huyện Mường Tè Đao Văn Khánh cho hay, nội dung thảo luận, ý kiến giải trình giúp các cấp, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất quốc gia nói chung và quy hoạch, quản lý, sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nói riêng...

DaoVanKhanh.png
Chủ tịch UBND huyện Mường Tè Đao Văn Khánh. Ảnh: baolaichau.vn

Theo cử tri Đao Văn Khánh, dù diện tích đất tự nhiên của huyện lớn (hơn 267.848 ha, chiếm khoảng 29% diện tích của tỉnh Lai Châu) nhưng do địa hình dốc, hạ tầng phát triển chưa đồng bộ nên hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho người dân. Do đó, chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần bảo đảm các định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước trong việc giữ diện tích đất trồng lúa, độ che phủ rừng, quan tâm đến việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian tới, UBND huyện Mường Tè tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu sử dụng đất được phê duyệt; đặc biệt đối với việc bố trí đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh và tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huyện kiến nghị Trung ương quan tâm, ưu tiên phân bổ vốn đầu tư để địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng; quy hoạch, sắp xếp dân cư để đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai, ổn định cuộc sống lâu dài cho nhân dân, đảm bảo các tiêu chí về quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đồng thời kiến nghị, UBND tỉnh Lai Châu quan tâm, xem xét, sớm bố trí kinh phí để đảm bảo cho công tác đo đạc Bản đồ địa chính ở huyện và thay đổi cơ sở dữ liệu bản đồ đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

Việt Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm