Kỳ vọng sản phẩm du lịch độc đáo khi "rừng và biển liên kết"

Kỳ vọng sản phẩm du lịch độc đáo khi "rừng và biển liên kết"

“Liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra với mỗi địa phương nhằm khai thác lợi thế tiềm năng, tạo ra sản phẩm độc đáo có sức cạnh tranh cao, đưa du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương và đất nước…”. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi và Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk tổ chức tại Kon Tum vào ngày 20/12.

Kỳ vọng sản phẩm du lịch độc đáo khi "rừng và biển liên kết" ảnh 1Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Đa văn hóa, giàu bản sắc

Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk ở Tây Nguyên và 3 tỉnh miền Trung (Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi) đã hình thành một liên kết, kết nối giữa "Tây Nguyên đại ngàn" và "biển xanh cát trắng".

6 tỉnh có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, với cảnh quan thiên nhiên đẹp. Nhiều điểm du lịch của 6 tỉnh được các tạp chí du lịch trong nước và thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn như: Bản Đôn (Đắk Lắk), Biển Hồ (Gia Lai), Măng Đen (Kon Tum); Cù Lao Xanh, Eo Gió (Bình Định); Ghềnh đá đĩa, Hòn Yến (Phú Yên); biển Mỹ Khê (Quảng Ngãi)… Đặc biệt, không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là một lợi thế trong thu hút khách du lịch đến với miền Trung -Tây Nguyên.

Theo ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Công ty VND Travel (Bình Định), liên kết, hợp tác phát triển du lịch là xu hướng tất yếu. 6 tỉnh trên liên kết là một thuận lợi lớn với thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng, đặc sắc để hỗ trợ, không cạnh tranh nhau. Mỗi tỉnh có một bản sắc văn hóa riêng. Việc liên kết sẽ giúp du khách có 1 hành trình 5 điểm đến, lên rừng, xuống biển, khám phá rất nhiều loại hình văn hóa, ẩm thực khác nhau. Liên kết dựa trên những thế mạnh của mỗi địa phương đã tạo lợi thế cạnh tranh cho 6 tỉnh.

Thông qua liên kết, các công ty lữ hành ở 6 tỉnh đã tổ chức các tuyến du lịch tham quan vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, thác nước đẹp của Tây Nguyên, kết hợp với trải nghiệm các dịch vụ du lịch sinh thái biển, đảo; đồng thời kết nối di sản văn hóa phi vật thể không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với việc tìm hiểu bài chòi, hát bội ở miền Trung.

Cùng đó, các hoạt động liên kết, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch được 6 tỉnh triển khai có hiệu quả. Ông Nguyễn Duy Truyền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum khẳng định, các địa phương thường trao đổi thông tin về các quy hoạch, kế hoạch ngắn và dài hạn, tình hình hoạt động du lịch, kế hoạch xúc tiến du lịch; phối hợp tổ chức các chương trình giới thiệu sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch; tổ chức Hội nghị xúc tiến điểm đến liên vùng, góp phần đưa ra những định hướng xây dựng sản phẩm du lịch mới, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch các tỉnh kết nối tour hiệu quả hơn.

Kỳ vọng sản phẩm du lịch độc đáo khi "rừng và biển liên kết" ảnh 2Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng

Trong bối cảnh cạnh tranh du lịch ngày càng gay gắt, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, tạo ra sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh cao là việc không dễ.

6 tỉnh có địa hình rộng, hệ thống cung ứng dịch vụ tại chỗ chưa đồng đều. Các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk được các công ty du lịch xây dựng sản phẩm 4-5 sao, nhưng các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum… không có khách sạn 4 - 5 sao, dịch vụ không đồng đều, nguồn nhân lực thiếu và yếu. Bên cạnh đó, các hướng dẫn viên quốc tế ở 6 tỉnh đang thiếu, chủ yếu là hướng dẫn viên sử dụng tiếng Anh, các ngôn ngữ khác không có. Cùng đó, liên kết tour, tuyến du lịch gắn kết với các sự kiện của các địa phương trong 6 tỉnh chưa được phát huy. Các tỉnh chưa xây dựng được chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch, chưa xây dựng được thương hiệu đặc trưng cho tổ chức liên kết như logo, slogan; sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong việc hợp tác, xây dựng và cung cấp những chương trình, sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm dấu ấn vùng miền chưa được quan tâm đúng mức…

“Chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch một số nơi còn thấp, thiếu chuyên nghiệp; các điểm du lịch ít hấp dẫn, thiếu sự liên kết trong tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch chung giữa các địa phương tạo thành chuỗi sự kiện, sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch”, ông Nguyễn Duy Truyền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết.

Trở ngại về giao thông là vấn đề lớn cho 6 tỉnh. “Hạ tầng giao thông với con đường xuyên Á như Quốc lộ 19, 24 nối liền biển và rừng cùng các nước không có biển như Lào và Đông Bắc Thái Lan là trở ngại. Đây là con đường xuống biển ngắn và gần nhất, nhưng nhiều năm chưa làm xong khiến du khách mất nhiều thời gian di chuyển, các vùng không tạo được chuỗi liên kết sản phẩm khép kín…” ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Công ty VND Travel (Bình Định) cho biết thêm.

Trước thực trạng trên, để phát triển du lịch, 6 tỉnh trong khu vực xác định cần hợp tác trong công tác quản lý nhà nước, phát triển nguồn nhân lực, trong đó tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý tại cơ sở du lịch theo chuẩn quốc tế, phù hợp nhu cầu, tình hình thực tiễn của địa phương; phát triển sản phẩm du lịch, tour, tuyến du lịch kết nối độc đáo, hấp dẫn, bổ trợ nhau, khai thác hiệu quả dòng khách từ các địa phương trong liên kết cũng như hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, liên kết website du lịch các địa phương. Ngoài ra, Hiệp hội du lịch các tỉnh phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam hằng năm luân phiên mời các doanh nghiệp du lịch lớn trong và ngoài nước đến khảo sát sản phẩm, dịch vụ tại các địa phương, tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp du lịch để trao đổi khách, từng bước tạo động lực cho du lịch 6 tỉnh phát triển.

Cùng đó, 6 tỉnh tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại các địa phương trọng điểm trong nước và lựa chọn 1-2 điểm tại nước ngoài có khả năng kết nối với Cảng hàng không của các tỉnh trong khu vực liên kết và các thị trường nước ngoài như: khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản…. để thúc đẩy du lịch bền vững.

Cao Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm