Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021), sáng 15/12, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Lời thề quyết tử”.
Cách đây 75 năm, để bảo vệ nền độc lập, tự do cho đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đó là lời hịch non sông, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết, đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, khẳng định khát vọng hòa bình, ý chí và quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Thời gian đã lùi xa, nhưng lời hiệu triệu đó vẫn còn nguyên giá trị.
Triển lãm "Lời thề quyết tử" giới thiệu hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu, qua đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; khẳng định đường lối kháng chiến, kiến quốc đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946. Đây cũng là hoạt động góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường; tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Triển lãm được chia thành 4 phần, trong đó phần mở đầu trưng bày những hiện vật, tài liệu thể hiện chủ trương, quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và quân dân cả nước với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “Nhất định không chịu làm nô lệ", "Cùng một niềm tin quyết thắng”.
Phần một với chủ đề "Vận nước "Ngàn cân treo sợi tóc” phản ánh giai đoạn cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời phải đối phó với thù trong giặc ngoài, với muôn vàn khó khăn, thử thách đến từ mọi phía; vận mệnh dân tộc ở thế “Ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình thế đó, Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã kêu gọi toàn dân kháng chiến trong cả nước chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong phần hai "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", các tài liệu, hiện vật được trưng bày tập trung phản ánh tinh thần của quân dân cả nước hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đứng lên chống thực dân Pháp với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, tiêu biểu là ở Thủ đô Hà Nội - nơi có tiếng súng mở đầu kháng chiến toàn quốc.
"Niềm tin quyết thắng" là nội dung chính phần ba của triển lãm. Phần này trưng bày các hình ảnh, hiện vật, tài liệu thể hiện tinh thần quân dân cả nước giữ vững niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến; đặc biệt là sự lan tỏa tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Một số hiện vật tiểu biểu được giới thiệu tại triển lãm có thể kể đến như: Huy hiệu “Trung đoàn Thủ đô” - Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đeo trong Lễ thành lập “Đội quyết tử” tại rạp hát Chuông Vàng, Hà Nội, ngày 7/1/1947; Bom ba càng - Trung đoàn Thủ đô dùng chiến đấu ở Liên khu I, Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, tháng 12/1946; Hoành phi, câu đối nhân dân Hà Nội mang ra đường phố xây dựng chiến lũy, tháng 12/1946; Cờ “Quyết tử quân” do Ban Chỉ huy Liên khu I tặng đội “Quyết tử quân” Trung đoàn Thủ đô; Lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Quảng Ngãi đăng ký quyết tâm đánh thắng trận đầu, năm 1972 ...
Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 15/12/2021 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội. Nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, khách tham quan cần thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, thông tin về các hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu giới thiệu tại triển lãm được cập nhật trên Trang tin điện tử Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (http://baotanglichsuquansu.vn/) để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân không có điều kiện tham quan có thể tìm hiểu.
Hiền Hạnh