Kỷ niệm 1776 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh

Sáng 31/3, tại Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc), tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2024, kỷ niệm 1.776 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.

vna_potal_ky_niem_1776_nam_ngay_mat_cua_anh_hung_dan_toc_trieu_thi_trinh_7299117.jpg
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm nhân 1776 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Lễ kỷ niệm diễn ra với các nghi thức truyền thống gồm: lễ trình cáo, tế lễ, lễ yên vị và dâng hương tại Đền Bà Triệu, lăng mộ Bà Triệu trên núi Tùng, lăng mộ ba ông tướng họ Lý, đền Đệ Tứ, miếu Bàn thề, đình làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc); rước kiệu Bà, trình tấu Chúc văn trên đền Bà... Tiếp đó là phần hội với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa đặc sắc, tái hiện hình tượng Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh trong cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Đông Ngô năm 248, do các nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa trình diễn.

Bà Triệu (còn gọi là Triệu Trinh Nương, Triệu Ẩu) và cuộc khởi nghĩa của Bà (năm 248) đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại. Bà Triệu là nữ Anh hùng dân tộc kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Hai Bà Trưng, làm vẻ vang truyền thống yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của phụ nữ Việt Nam “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Theo sử sách, Bà Triệu sinh ngày 2/10 năm Bính Ngọ, tại vùng đất Quan Yên (nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hóa). Lúc còn nhỏ Bà được nuôi dậy tinh thần yêu nước, tinh binh thư, giỏi võ nghệ; lớn lên, Bà trở thành một người phụ nữ can đảm, mưu trí, có sức khỏe hơn người.

Thời kỳ đó, dưới sự bóc lột hà khắc, đàn áp dã man của giặc Đông Ngô, nhân dân xứ Giao Châu phải sống cảnh lầm than, khổ cực. Sục sôi ý chí nổi dậy chống lại sự thống trị tàn bạo của chính quyền phong kiến phương Bắc, Bà Triệu cùng anh trai Triệu Quốc Đạt đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân khắp nơi đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Sau khi anh trai mất, Bà cùng tướng sỹ lập căn cứ tại núi Tùng ở thôn Bồ Điền (nay thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) để luyện tập quân sỹ và chống giặc. Uy danh của nữ Anh hùng Triệu Thị Trinh gắn với hình ảnh người nữ tướng khi ra trận mặc giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi trắng và câu nói: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng giữ, chém cá Kình ở biển Đông, làm cho trời yên biển lặng, cứu vớt dân lành, chứ đâu giống như người đời cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người ta”.

Năm Mậu Thìn (năm 248), Đông Ngô đã cử một đạo quân hùng mạnh tiến vào nước ta để đối phó với đội quân của Bà Triệu. Bà và nghĩa quân đã giao tranh với địch bằng tinh thần quả cảm, bất khuất, ý chí và nghị lực phi thường. Song, do tương quan lực lượng quá chênh lệch cùng với sự tàn bạo, nghĩa quân của Bà Triệu gặp phải muôn vàn khó khăn. Trước thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, để giữ khí tiết anh hùng, Bà Triệu đã tuẫn tiết hy sinh trên đỉnh núi Tùng vào ngày 22/2 năm Mậu Thìn (năm 248), khi vừa mới 23 tuổi.

Tưởng nhớ công ơn, nhân dân đã xây lăng mộ Bà trên đỉnh núi Tùng, lập đền thờ và dựng một ngôi đình lớn ở giữa làng Phú Điền, đồng thời tôn bà làm Thần hoàng làng, quanh năm hương khói. Về sau, các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều cho tu sửa đền miếu, ban sắc phong và quy định tế lễ với nghi thức quốc lễ.

vna_potal_ky_niem_1776_nam_ngay_mat_cua_anh_hung_dan_toc_trieu_thi_trinh_7299121.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đánh trống khai hội. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Năm 1979, đền thờ và lăng mộ Bà ở xã Triệu Lộc đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật khu di tích Bà Triệu. Năm 2022 Lễ hội Đền Bà Triệu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng khẳng định: Đã 1776 năm trôi qua, nhưng tinh thần bất khuất của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, sự hy sinh anh dũng của Bà luôn được nhân dân tự hào, kính ngưỡng. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn", từ nhiều năm nay vào ngày mất của Bà, tỉnh Thanh Hoá tổ chức Lễ hội Đền Bà Triệu như một hoạt động tri ân, tưởng nhớ người Anh hùng dân tộc. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu, phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Bà Triệu tới người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ lễ hội, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan trưng bày pano ảnh giới thiệu về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của Khu di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu, Lễ hội Đền Bà Triệu và các di tích nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hoa Mai

Có thể bạn quan tâm