Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong phòng, chống mua bán người

Sáng 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

vna_potal_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_thao_luan_ve_du_an_luat_phong_chong_mua_ban_nguoi_sua_doi_7445469.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Quy định rõ nguyên tắc đảm bảo quyền lợi, không kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân

Đây là đạo luật rất quan trọng, liên quan tới công tác phòng, chống mua bán người, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua, bán người, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người. Dự án luật đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Một số ý kiến nhận định các quy định của dự thảo Luật cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật, song đề nghị tiếp tục rà soát, bởi vì luật này có phạm vi rất rộng, liên quan tới nhiều đạo luật khác nhau như Bộ luật Hình sự, Luật Cảnh sát biển, Luật Biên phòng, Luật Giáo dục, Luật Trẻ em, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp... Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để nội luật hóa đầy đủ hơn một số quy định của các công ước quốc tế có liên quan và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo), Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Công ước ACTIP)…

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đánh giá, việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người đã góp phần thực hiện tốt hơn trách nhiệm thành viên của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế, theo đó Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ, thực hiện các điều ước quốc tế về vấn đề này một cách tận tâm, thiện chí. Dự thảo Luật này đã xây dựng hệ thống các điều, khoản quy định về quyền của nạn nhân, về tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân, người thân thích của họ,… cho thấy tính ưu việt so với Luật Phòng, chống mua bán người (năm 2011) trong bảo vệ quyền con người.

vna_potal_quoc_hoi_thong_qua_luat_to_chuc_tand_sua_doi_va_thao_luan_ve_du_an_luat_phong_chong_mua_ban_nguoi_sua_doi_7445599.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống mua bán người được quy định tại Điều 3, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị bổ sung đối tượng là người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác nhận là nạn nhân vào khoản 11 Điều 3, nhằm bảo đảm quyền riêng tư, tránh việc gây tổn thương hoặc gây nguy hiểm cho họ sau khi thông tin của nạn nhân được tiết lộ. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định biện pháp bảo vệ cho người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Về nguyên tắc bình đẳng giới, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) cho rằng, dự thảo Luật đã thể hiện rõ nguyên tắc này trong các quy định về nguyên tắc phòng, chống mua bán người; tôn trọng quyền lợi, lợi ích hợp pháp, không kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân; quy định nội dung thông tin, tuyên truyền giáo dục phòng, chống mua bán người… Tuy nhiên, đại biểu cho rằng đây vẫn là những quy định mang tính chất chung chung, chưa thể hiện rõ nguyên tắc đảm bảo giới tính trong phòng, chống mua bán người. Phụ nữ và trẻ em gái bị tổn thương hơn vì mục đích mua bán người về tình dục; trong khi nạn nhân nam giới là trẻ em sẽ là mục tiêu của những kẻ mua bán người nhằm mục đích bóc lột sức lao động và hoạt động tội phạm. Những tổn thương của nạn nhân nam và nạn nhân nữ cũng tương đối khác nhau về mức độ trầm trọng.

Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong phòng, chống mua bán người.

Đề nghị coi hành vi mua bán thai nhi là mua bán người

Trong số các vấn đề cụ thể, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, bao gồm cả việc mua bán nội tạng và các hành vi khai thác sức lao động bất hợp pháp; việc mua bán thai nhi…

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) dẫn báo cáo của Bộ Công an cho thấy, trong 5 năm từ năm 2018 đến năm 2022 cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người. Nếu như trong giai đoạn trước đây từ 2012- 2020, mua bán người chủ yếu là ra nước ngoài, chiếm trên 80% số vụ, thì thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước. Riêng năm 2022, số vụ mua bán trong nước chiếm đến 45% tổng số vụ.

vna_potal_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_thao_luan_ve_du_an_luat_phong_chong_mua_ban_nguoi_sua_doi_7445532.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Trần Khánh Thu phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

"Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Ngày nay công nghệ phát triển, các đối tượng chỉ cần ngồi tại một vị trí sử dụng mạng Zalo, Facebook để kết nối, dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi mua bán nạn nhân ngay trong nội địa… Chính vì vậy, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết” - đại biểu nhấn mạnh.

Về nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, số vụ phạm tội mua bán người có chiều hướng gia tăng hằng năm, đặc biệt thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá.

Theo đại biểu, hành vi mới xuất hiện là mua bán thai nhi trong bụng mẹ, việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời, nên chưa có hậu quả xảy ra dẫn tới khó khăn cho công tác xử lý. Theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay, chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra; còn khi vẫn đang trong bào thai bụng mẹ, chưa thể coi là con người, chưa là đối tượng hành vi phạm tội. Vì vậy, cơ quan chức năng không có căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi.

Trong khi đó, pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay chưa quy định đối với trường hợp mua bán thai nhi, vì thai nhi không phải là trẻ em được sinh ra. Tuy nhiên, trên thực tiễn hiện nay, tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương, là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Do đó, cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.

Cũng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị dự thảo Luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người. Đại biểu cho biết, hiện nay xuất hiện hành vi mới trong đời sống xã hội là buôn bán thai nhi trong bụng mẹ.

vna_potal_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_thao_luan_ve_du_an_luat_phong_chong_mua_ban_nguoi_sua_doi_7445537.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Theo đại biểu, xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người. Thực tế pháp luật hiện nay chưa quy định nên không có cơ sở xem xét. Bộ luật Hình sự 2015 cũng như pháp luật về phòng, chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về vấn đề trên. Do đó, đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi Luật lần này, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình hình mua bán thai nhi đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi.

Mặt khác, hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức rất phức tạp như tham quan du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi thông qua các đối tượng là pháp nhân thương mại… Do đó, đại biểu đề nghị, cần phải xem xét, cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người nhằm kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia như hiện nay.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý kiến dự thảo Luật cần thể hiện rõ nguyên tắc này trong các quy định về nguyên tắc phòng, chống mua bán người; tôn trọng quyền lợi, lợi ích hợp pháp, không kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân; quy định nội dung thông tin, tuyên truyền giáo dục phòng chống mua bán người…

Xuân Tùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm