Bệnh viện cho bệnh nhân cúm A/H1N1 . Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung triển khai biện pháp phòng chống bệnh cúm A/H1N1. Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh cúm A/H1N1 trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ động phối hợp với các Trung tâm Y tế huyện, thành phố, cơ sở khám chữa bệnh để khống chế kịp thời tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Sở Y tế hỗ trợ kinh phí kịp thời cho công tác phòng chống cúm A/H1N1, đảm bảo việc test nhanh phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh. Ngành Y tế đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư chuyên dụng phục vụ công tác phòng chống bệnh cúm cũng như trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế trực tiếp tham gia điều tra và phòng chống dịch bệnh. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc cúm A/H1N1 để khoanh vùng, cách ly, xử lý kịp thời. Chính quyền địa phương tuyên tuyền để người dân biết và chủ động phòng chống, đồng thời phối hợp với ngành Y tế triển khai biện pháp khống chế dịch bệnh. Hiện nay, ngành Y tế tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để phòng chống cúm A/H1N1 như: Tập trung công tác cách ly vùng ổ dịch; phun hóa chất Cloramin B xử lý ổ dịch và tổ chức khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm ca bệnh mới để có xử lý kịp thời. Ngành Y tế đã lập danh sách người tiếp xúc với ca bệnh để cách ly, theo dõi và lấy mẫu làm xét nghiệm. Trong đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã lấy 51 mẫu của 51 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh để làm xét nghiệm. Kết quả có một trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 do nằm điều trị gần trường hợp đã tử vong, còn lại chưa phát hiện ca bệnh mới. Theo bác sĩ Nguyễn Lộc Vương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Kon Tum: Cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm do vi rút cúm H1N1 gây ra, có khả năng lây nhiễm cao. Triệu chứng của bệnh giống với hội chứng cúm mùa như, sốt, ho, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, đau người, mệt mỏi. Một số ít trường hợp có thể diễn biến nặng gây viêm phổi nặng và tử vong. Vì vậy, để phòng chống bệnh cúm A/H1N1, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Người dân tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần tiếp xúc thì giảm tối đa thời gian tiếp xúc, giữ khoảng cách ít nhất 1 m và đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc gần, thường xuyên súc miệng bằng nước sát khuẩn... Khi thấy có biểu hiện của bệnh cúm, người dân thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
Quang Thái