Liên quan đến việc hỗ trợ người trồng sâm Ngọc Linh bị chết vì lý do khách quan, ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum cho biết ngân hàng đang xác minh thiệt hại.
Theo ông Nguyễn Văn Chung, ngân hàng đang phối hợp với các phòng ban chuyên môn và chính quyền hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei để đi xác minh cụ thể từng hộ vay vốn tính dụng chính sách đầu tư vào trồng sâm Ngọc Linh. Người dân bị thiệt hại, do nguyên nhân khách quan gây ra, ngân hàng sẽ lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý rủi ro. Hiện ngân hàng đã chỉ đạo phòng giao dịch ở các huyện phối hợp với các cấp, ngành để xác minh cụ thể từng hộ, mức độ, tỷ lệ thiệt hại bao nhiêu để có chính sách hỗ trợ.
Theo đó, có 3 biện pháp trong xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan đối với hộ trồng sâm Ngọc Linh. Cụ thể, với hộ có tổng giá trị thiệt hại dưới 40% sẽ được là gia hạn nợ bằng nữa thời gian vay. Với hộ dân có diện tích sâm bị thiệt hại từ 40 - 80% sẽ được khoanh nợ tối đa 3 năm. Ngân hàng sẽ khoanh nợ 5 năm khi người dân có tổng thiệt hại trên 80%.
Trước đó ngày 15/8, UBND tỉnh Kon Tum có văn bản về việc xử lý khắc phục hỗ trợ thiệt hại cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Theo đó, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sở, ngành liên quan, doanh nghiệp và chính quyền hai huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei có giải pháp hỗ trợ người trồng sâm Ngọc Linh khắc phục thiệt hại.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tăng cường kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn UBND hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei xử lý các vấn đề liên quan đến quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh; hạn chế tối đa việc sâm Ngọc Linh bị bệnh và chết như trong thời gian qua.
Với UBND hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để được hướng dẫn và có giải pháp hỗ trợ cho người dân có sâm Ngọc Linh bị thiệt hại theo quy định và phù hợp với thực tế; chủ động liên hệ làm việc với Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô để học tập kinh nghiệm phương pháp trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh đảm bảo sinh trưởng tốt và hướng dẫn cho người dân trên địa bàn thực hiện việc trồng, chăm sóc và phát triển sâm Ngọc Linh.
Ngoài ra, UBND huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn về quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc; nắm chắc diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn để có các giải pháp theo dõi, hỗ trợ kịp thời.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp chính quyền hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei có giải pháp hỗ trợ xử lý nợ đối với các khách hàng vay vốn tín dụng chính sách để trồng sâm Ngọc Linh theo quy định; đề nghị Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô phối hợp cùng với chính quyền hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei có giải pháp cung ứng giống sâm Ngọc Linh với giá hỗ trợ để tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn khắc phục thiệt hại và trồng mới, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển sâm Ngọc Linh đã được UBND tỉnh giao năm 2022.
Theo thống kê từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum, tại huyện Tu Mơ Rông có 804 hộ vay 55 tỷ đồng để trồng sâm Ngọc Linh. Số hộ có sâm Ngọc Linh bị chết là 87 hộ với tổng dư nợ là 6 tỷ đồng. Tại huyện Đăk Glei có 149 hộ vay 7,3 tỷ đồng để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh; trong đó , 9 hộ có sâm Ngọc Linh chết với dư nợ 380 triệu đồng. Hiện lực lượng chức năng đang tiến hành xác minh thiệt hại cụ thể ở từng hộ để có chính sách hỗ trợ.
Trước đó, trong tháng 6 và 7 (ngày 1/6 và 6/7), TTXVN đã có bài phản ánh về việc hàng loạt cây sâm Ngọc Linh của người dân trồng bị chết. Cụ thể, trong tháng 4 và 5, mưa nhiều, kết hợp với sương muối đã tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh phát sinh, phát triển mạnh khiến hàng chục nghìn cây sâm Ngọc Linh trồng ở huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei bị chết. Vụ việc khiến người trồng sâm Ngọc Linh gặp khó, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng sâm.
Cao Nguyên