Nhà Rông làng Đăk Trăm, xã Đăk Trăm, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, được làm mới từ tiền chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường rừng. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN |
Trước đây do tư duy, nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên nhiều cánh rừng bị người dân khai thác, lấn chiếm làm nương rẫy. Để bảo vệ rừng, từ năm 2011 chính quyền địa phương đã tiến hành giao khoán rừng cho các cộng đồng thôn, bản và các tổ chức trực tiếp bảo vệ. Năm 2017 là năm thứ 6 chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 22 đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh, 10 đơn vị phải chi trả tiền này về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để điều phối cho Quỹ của tỉnh Kon Tum và các tỉnh có liên quan. Theo đó, diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 360.000 ha, chiếm khoảng 60% tổng diện tích rừng của tỉnh. Đi đầu trong các đơn vị triển khai tốt công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng trong tỉnh Kon Tum là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, với tổng diện tích rừng và đất rừng được giao quản lý gần 37 nghìn ha, trải rộng trên 14 xã thuộc địa bàn 3 huyện: Đăk Tô, Tu Mơ Rông và Sa Thầy. Nhằm huy động sự ủng hộ của đồng bào dân tộc thiểu số tại từng địa phương, Công ty đã đến từng thôn, làng tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác bảo vệ rừng. Thời gian đầu chưa thấy được lợi ích thiết thực của việc quản lý, bảo vệ rừng nên đồng bào còn e dè. Nhưng sau khi thấy các hộ làm tốt công tác nhận khoán, giúp xóa đói giảm nghèo, người dân các thôn, làng sống ven rừng đã chủ động đăng ký tham gia. Nhờ đó, cuộc sống của họ dần ổn định, tinh thần gắn kết cộng đồng được nâng lên rõ rệt. Điển hình trong công tác bảo vệ rừng là thôn Xốp Dùi, xã Xốp (huyện Đăk Glei) là cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ 78,5 ha rừng từ năm 2014. Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, năm 2017 thôn Xốp Dùi nhận được hơn 23 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, thanh toán của năm 2016 và tạm ứng của năm 2017. Từ nguồn tiền này, các hoạt động tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng ở thôn được tổ chức thường xuyên, đầy đủ hơn, kết nối người dân trong thôn với nhau, từ đó nâng cao nhận thức của họ trong việc bảo vệ rừng nơi mình sinh sống. Cũng nhờ nguồn tiền nhận khoán, bảo vệ rừng mà các gia đình ở thôn Măng Rương, xã Văn Lem (huyện Đăk Tô) ngày càng gắn bó với rừng. Nhiều hộ dân ở đây được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2012. Để cải thiện sinh kế, các hộ dân đã dùng tiền này đầu tư trồng cà phê để nâng cao thu nhập. Nhờ đó, các thành viên trong gia đình tự giác thay phiên nhau đi tuần tra, bảo vệ diện tích rừng được giao quản lý. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của chủ rừng là tổ chức nhà nước, cũng như các hộ gia đình, cá nhận, cộng đồng dân cư thôn. Bởi chính sách này đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò trách nhiệm của chủ rừng và người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đời sống của người làm nghề rừng được cải thiện qua từng năm, góp phần huy động đông đảo người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thu được hơn 728 tỷ đồng, tiến hành giải ngân hơn 627 tỷ đồng cho các chủ rừng, tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó có 20 đơn vị chủ rừng; 72 UBND xã, thị trấn; 3.642 hộ gia đình, 22 cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng. Ngoài ra, các đơn vị là chủ rừng còn khoán cho 5.056 hộ gia đình, 64 cộng đồng dân cư thôn và 29 nhóm hộ bảo vệ 140.289,25 ha rừng. Việc giao khoán rừng cho cộng đồng thôn, làng, tổ chức… bảo vệ đã góp phần quản lý hiệu quả diện tích rừng hiện có, hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phát rừng làm nương rẫy và các vi phạm khác về rừng. Có thể thấy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai đã mang lại những kết quả tích cực, tạo nguồn lực tài chính bền vững để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, như tình trạng chây ì, trì hoãn không kê khai, chậm nộp tiền của một số đơn vị sử dụng dịch vụ (chủ yếu là các nhà máy thủy điện nhỏ). Việc quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng còn lúng túng. Chẳng hạn như chủ rừng chưa kịp thời chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng… Để triển khai hiệu quả hơn nữa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả chính sách trên địa bàn tỉnh, bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, cộng động dân cư thôn về tầm quan trọng của tài nguyên rừng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng cần chấp hành, thực hiện đầy đủ trong việc thực thi chính sách chi trả; tăng cường công tác giao đất, rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, giảm dần diện tích do UBND xã, thị trấn trực tiếp quản lý; lồng ghép thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng gắn với kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, cũng như tăng cường giám sát việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân.
Đình Lân