Kon Tum đưa nhiều giống cây trồng mới vào sản xuất

Kon Tum đưa nhiều giống cây trồng mới vào sản xuất

Là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, Kon Tum hiện có khoảng 11.000 ha cây trồng hàng năm, cùng hàng trăm ha diện tích cây công nghiệp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ là chìa khóa mở ra thành công cho người nông dân; trong đó, đưa các giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao được xem là “hạt nhân”. Những năm qua, ngành nông nghiệp và người nông dân tại Kon Tum không ngừng đưa các giống mới vào sản xuất, mang lại năng suất, chất lượng và giá trị ngày càng tăng cao.

Kon Tum đưa nhiều giống cây trồng mới vào sản xuất ảnh 1Giống lúa QB19 được trồng thử nghiệm tại Kon Tum trong vụ Đông – Xuân 2021 – 2022 cho năng suất và chất lượng cao. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã ứng dụng các giống cây trồng mới vào khoảng 80% diện tích cây trồng hàng năm của tỉnh. Các giống được sử dụng đối với lúa là Đài thơm 8, HT 1,BC15, RVT, TBR45, TBR 36,... cho năng suất cao hơn các giống cũ như IR 64, 13/2,... từ 15 – 30%; các giống sắn KM 94, KM140, KM419, HN1, HN3, HN5, HN36, HN80 và HN97 cho năng suất khá (38 – 64 tấn/ha), tinh bột cao (26-30%), năng suất hơn các giống cũ từ 15 – 30%. Đối với cây cà phê, sử dụng các giống cà phê vối TRS1, TR4, TR5, TR9, TR11, cà phê chè TN1, TN2, dòng thuần TH1 cho năng suất cao hơn các giống cũ từ 15 – 20%; mía cũng sử dụng các giống mới như MY55-14, F157, B85-764, Quế đường 15, QĐ86368, VD79-177, VD81-3254, VN85-1859, R570, K88-92, K95-156, KU01-58 cho năng suất cao hơn từ 15 – 30%.

Đăk Hà là một trong những địa phương có diện tích trồng cây hàng năm cao của tỉnh Kon Tum với gần 2.000 ha; trong đó, chủ yếu là diện tích trồng lúa. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết, các giống lúa mới được sử dụng ở vụ Đông – Xuân 2021 – 2022 vừa qua như HT1, HT9, RVT, Đài Thơm 8, Hương Châu, DT502. Để đưa vào trồng đại trà, ngành nông nghiệp huyện đã tiến hành thử nghiệm với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa bàn.

“Các giống lúa mới đều cho năng suất, chất lượng vượt trội so với các giống cũ trước đây, tăng ít nhất 30%, đạt trung bình 11 tấn/ha. Dự kiến, vụ mùa 2022, tổng diện tích trồng lúa trên địa bàn xấp xỉ 1.900 ha, ngành nông nghiệp tiếp tục khuyến cáo bà con sử dụng các giống cây trồng mới vào sản xuất để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích”, ông Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm.

Tuy nhiên, việc đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum. Ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết, các loại giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt yêu cầu trình độ thâm canh cao để cho năng suất, chất lượng tối ưu, đòi hỏi người nông dân phải có kiến thức và trình độ sản xuất nhất định. Tuy nhiên, hện nay trình độ canh tác của người dân là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, cơ sở hạ tầng nhiều nơi thiếu, chưa được đầu tư, thậm chí nhiều diện tích còn không chủ động được nước tưới đang là rào cản lớn trong việc đưa các loại cây giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở từng địa phương để tuyên truyền, phổ biến kiến thức canh tác các giống cây trồng mới cho người nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa thông qua các chương trình hội thảo đầu bờ, các hội nghị, hội thảo của Hội nông dân các cấp. Nhờ đó, bà con đã biết ứng dụng các giống mới vào sản xuất, năng suất, chất lượng dần tiệm cận với các diện tích được trồng theo quy chuẩn của các loại giống.

Kon Tum đưa nhiều giống cây trồng mới vào sản xuất ảnh 2Giống lúa QB19 được trồng thử nghiệm tại Kon Tum trong vụ Đông – Xuân 2021 – 2022 cho năng suất và chất lượng cao. Ảnh: TTXVN phát.

Một vấn đề khác trong quá trình đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất là nguồn gốc, chất lượng giống. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã giao Trung tâm Khuyến nông là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện tuyển chọn và trồng thử nghiệm giống. Tuy nhiên, sau khi có kết quả thử nghiệm, bà con nông dân thường tìm đến với các nguồn cung cấp giống ngoài thị trường. Nếu các giống cây trồng không đảm bảo chất lượng, sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất. Đặc biệt, có nguy cơ gây lây lan các loại bệnh dịch mới trên cây trồng, đơn cử như khảm lá sắn, hay mới đây nhất là bệnh trắng lá mía.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết, trước mỗi mùa vụ, ngành nông nghiệp huyện đều có chỉ dẫn cho bà con nông dân mua giống cây trồng tại ba đại lý giống có giấy phép kinh doanh trên địa bàn huyện và một đại lý tại thành phố Kon Tum. Việc chỉ dẫn này nhằm đảm bảo nguồn gốc giống, tránh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây trồng.

Ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cũng khuyến cáo người nông dân cần mua bán, sử dụng các loại giống cây trồng nông nghiệp phục vụ sản xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán các loại giống cây trồng có uy tín, có thương hiệu; có đầy đủ hồ sơ, hợp đồng mua bán, giấy tờ hợp lệ theo quy định; giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đảm bảo chất lượng cây giống, hạt giống; có hỗ trợ về mặt kỹ thuật đối với từng loại giống cây trồng nông nghiệp; có cam kết về năng suất, chất lượng sản phẩm khi thu hoạch.

“Đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục quan tâm đến các chương trình nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho nông dân; đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; kết hợp tổ chức tập huấn và xây dựng các mô hình trình diễn nhằm chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nông dân, từng bước nâng cao trình độ thâm canh cây trồng đảm bảo an toàn thực phẩm, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng”, ông Nguyễn Hoài Tâm khẳng định.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm