UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành văn bản triển khai chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện Kon Rẫy, Kon Plông, Tu Mơ Rông; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp hai huyện Kon Plông và Kon Rẫy; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh, yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm minh, đúng quy định đối với 73,45 ha đất rừng được chuyển đổi mục đích.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát toàn bộ Dự án, đảm bảo thống nhất về số liệu, vị trí giữa hồ sơ và thực địa về hiện trạng rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng), loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất). Ngoài ra, phải xây dựng hồ sơ, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hồ sơ trồng rừng thay thế và tận dụng lâm sản trên diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác để thực hiện các dự án theo quy định; đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc việc nộp tiền trồng rừng thay thế và tận dụng lâm sản đã được cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu chỉ tham mưu cấp thẩm quyền xem xét chuyển mục đích sử dụng rừng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan; có phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo công khai minh bạch. Việc thực hiện Dự án không làm thất thoát tài sản của Nhà nước và không để xảy ra khiếu kiện, ảnh hưởng đến dư luận, an ninh trật tự và đời sống của nhân dân.
Trước đó, tháng 11/2023, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký các văn bản số 1073/TTg-NN, 1079/TTg-NN và 1111/TTg-NN về việc đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác đối với 73,45 ha đất rừng thuộc ba dự án đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Trong đó, có 0,75 ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum để thực hiện Dự án Cụm hồ Đắk Rô Gia – Ia Tun, tỉnh Kon Tum; 13,85 ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum để thực hiện Dự án Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum đi huyện KBang, tỉnh Gia Lai; 58,85 ha rừng (21,58 ha rừng phòng hộ, 32,72 ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên) tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Kon Tum thực hiện; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng.
UBND tỉnh Kon Tum có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát kỹ hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng; xác định chính xác nhu cầu thực tế, vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng, đảm bảo sử dụng ít nhất diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác, thống nhất giữa hồ sơ và thực địa, phù hợp với chỉ tiêu đất rừng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
UBND tỉnh Kon Tum chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng rừng, đất tiết kiệm, hiệu quả, đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước, tham nhũng, gây khiếu kiện mất trật tự xã hội. HĐND tỉnh Kon Tum chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc đề xuất chủ trương và tổ chức thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai các dự án.
Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh Kon Tum chuyển đổi mục đích sử dụng đối với 73,45 ha sẽ giúp các dự án “vướng” đất rừng được “gỡ khó”. Đơn cử, Dự án Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai do UBND huyện Kon Rẫy làm chủ đầu tư có chiều dài 8km, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, thực hiện trong 4 năm từ 2021 đến 2024. Trong hai năm 2021, 2022, dự án đã thực hiện hơn 51 tỷ đồng. Năm 2023, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương giao là 25 tỷ đồng, song đến hết năm, dự án chỉ giải ngân được khoảng 10 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm là do vướng 13,85 ha đất rừng.
Ông Trần Văn Hiển, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Kon Rẫy cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sẽ giúp dự án “khơi thông” được vướng mắc. Chủ đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương và địa phương để triển khai việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng theo đúng quy định. Sau khi việc chuyển đổi hoàn tất, chủ đầu tư sẽ đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai, nỗ lực để dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Dư Toán