Kon Tum chủ động ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu

Kon Tum chủ động ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu

Mùa mưa 2021 tại khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng diễn biến bất thường và kết thúc sớm, nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ sẽ xảy ra vào đầu năm 2022. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp và nông dân trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhất là những công nghệ tưới tiết kiệm, giảm thất thoát nước; đồng thời, nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương nội đồng...

Kon Tum chủ động ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh 1Hệ thống tưới tiết kiệm được nông dân xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà áp dụng tưới cho vườn cây ăn quả. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Hiệu quả từ mô hình tưới tiết kiệm

Gia đình anh Lê Quốc Hòa, trú thôn Kon Tu, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum có hơn 3 ha canh tác nông nghiệp; trong đó, hơn 2 ha đã được anh áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm từ năm 2019 với tổng chi phí hơn 50 triệu đồng. Đây là diện tích được anh trồng khoảng 800 cây mít, 250 cây sầu riêng xen với cà phê.

“Mình đã tự tìm tòi, học hỏi và mua trang thiết bị về lắp hệ thống này. Khi tưới chỉ cần pha phân bón và các chế phẩm sinh học vào bồn nước rồi bấm máy, nước sẽ theo đường ống đến các gốc cây. Nhìn chung sau khi lắp đặt hệ thống, chi phí nhân công, phân bón cho hơn 2 ha này giảm khoảng 50%. Dự kiến, năm nay mình sẽ thu bói cà phê và mít được gần 150 triệu đồng. Hiện nay, gia đình cũng đang đầu tư mở rộng hệ thống tưới tiết kiệm ra hơn 1 ha trồng sầu riêng còn lại”, anh Lê Quốc Hòa chia sẻ.

Kon Tum chủ động ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh 2Nông dân xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà pha phân bón vào nước tưới trước khi đưa vào hệ thống tưới tiết kiệm. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Trong khi đó, Hợp tác xã nông nghiệp Công bằng Pô Kô hiện có 113 thành viên, tổng diện tích canh tác trên 172 ha cà phê. Từ năm 2018, đơn vị đã thí điểm thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm; đồng thời, trồng cỏ lạc giữa các luống cà phê để giữ đất và chống thoát nước. Bà Phạm Thị Huyền Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Công Bằng Pô Kô cho biết, đơn vị nhận thấy hệ thống tưới nước tiết kiệm giảm từ 15 – 25% lượng nước tưới và khoảng 20% công tưới. Bên cạnh đó, thời gian tưới cho mỗi gốc cây cà phê sẽ dài hơn so với cách tưới truyền thống, giúp nước thấm vào đất tốt hơn, cỏ lạc giữ ẩm cho đất được lâu hơn.

Tuy nhiên, bà cho rằng vào mùa mưa, cỏ lạc sẽ mọc tốt, công nhân cắt cỏ dễ cắt vào ống nước đặt trong cỏ, gây phát sinh chi phí. Hiện nay, đơn vị đang nghiên cứu phương án khắc phục tình trạng trên, trước khi nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm và trồng cỏ lạc ra toàn bộ diện tích canh tác của hợp tác xã.

Theo ông Trần Văn Lực, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, trong thời gian qua, việc triển khai một số mô hình tưới nước tiết kiệm được nhân dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tích cực, với gần 6.500 ha. Cùng với các giải pháp chống hạn khác của tỉnh, việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm đã giúp tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán trong năm 2021 của tỉnh giảm mạnh, chỉ khoảng 93,84 ha so với gần 1.015 ha của năm 2020.

Kon Tum chủ động ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh 3Bể chứa nước trước khi đưa vào hệ thống máy tưới nước tiết kiệm. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Trong khi đó, ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đánh giá, khoảng 500 ha cây trồng trên địa bàn huyện áp dụng hệ thống công nghệ tưới nước tiết kiệm không chỉ giúp giảm lượng nước tưới mà còn giúp người nông dân giảm được chi phí phân bón và nhân công. Qua đó, giúp giảm chi phí đầu tư trên cùng một đơn vị diện tích so với tưới theo phương pháp thông thường, nâng cao lợi nhuận.

 Chuẩn bị cho mùa khô 2021 – 2022

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, thời tiết từ nay đến cuối năm sẽ có những diễn biến bất thường, nguy cơ ảnh hưởng đến diện tích cây trồng vụ Đông – Xuân rất cao. Đặc biệt, thời điểm sau Tết Nguyên đán sẽ là cao điểm của mùa khô, nguy cơ hạn hán xảy ra khi mùa mưa năm 2021 diễn biến phức tạp và kết thúc sớm.

Kon Tum chủ động ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh 4Hệ thống tưới tiết kiệm được nông dân xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà áp dụng trong vườn cây ăn quả. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Trong khi đó, kế hoạch sản xuất năm 2022 của tỉnh Kon Tum là gieo trồng gần 190.000 ha cây trồng; trong đó, có trên 59.300 ha cây trồng nước tưới cao. Bên cạnh gần 6.500 ha cây trồng đã được cung cấp nước tưới bằng hệ thống tưới tiết kiệm, nông dân cần nhân rộng mô hình để giảm tải lượng nước tưới. Qua đó, giảm nguy cơ thiệt hại do hạn hán, tiết kiệm được công lao động và phân bón.

Tuy nhiên, ông Ngô Hồng Hưng thừa nhận, hiện nay ngoài một số doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân có điều kiện kinh tế lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm thì đa số nông dân vẫn còn e ngại hệ thống này do chi phí lắp đặt cao. Ngoài ra, chưa nắm bắt công nghệ cũng như kiến thức vận hành hệ thống cũng khiến bà con chưa mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Kon Tum chủ động ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh 5Bên cạnh áp dụng tưới nước tiết kiệm, HTX Công bằng Pô Kô trồng cỏ lạc giữa luống cà phê để chống bốc hơi nước và trôi đất. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Theo ông Trần Văn Lực, để đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do hạn hán gây ra, đảm bảo năng suất và ổn định sản xuất cho người dân, ngoài việc hướng dẫn, bố trí cơ cấu giống cây trồng và thời vụ gieo trồng cho phù hợp thì các doanh nghiệp, hợp tác xã dùng nước, các hộ gia đình cần nắm bắt công nghệ và chuyển dần sang tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cho các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cây ăn quả, rau hoa xứ lạnh và các loại cây trồng khác.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nội đồng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp; tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi (hồ chứa quy mô vừa và nhỏ, các trạm bơm, đập dâng và kênh dẫn) để tạo nguồn nước tưới cho vùng cây công nghiệp tập trung, rau hoa xứ lạnh. Đồng thời, cung cấp nước cho khu vực đất dốc để tăng diện tích canh tác, tăng vụ, khai thác hiệu quả, bền vững vùng đất dốc, góp phần xóa đói giảm nghèo.

“Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai thông qua chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai. Đặc biệt, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn thiết kế phục vụ hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, lắp đặt hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước. Qua đó, góp phần giúp nông dân sẵn sàng ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu”, ông Trần Văn Lực khẳng định.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm