Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Thừa Thiên - Huế

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Thừa Thiên - Huế
Hệ thống giao thông tại xã Quảng Phước ngày một hoàn thiện. Ảnh : baothuathienhue.vn
Hệ thống giao thông tại xã Quảng Phước ngày một hoàn thiện.
Ảnh : baothuathienhue.vn
Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu tăng thêm ít nhất 10-12 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên  54-56 xã/104 xã, tương đương tỷ lệ 51,9%-53,8% tổng số xã. Thị xã Hương Thủy phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2019; các huyện Quảng Điền và huyện Nam Đông phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đề cập đến kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, riêng từ năm 2018 đến nay, với nguồn vốn phân bổ từ Trung ương, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tập trung nguồn vốn và lồng ghép với các nguồn vốn khác để triển khai 43 công trình hạ tầng nông thôn. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn cũng có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp trên địa bàn. Trong 2 năm (2016-2018), tỉnh cũng đã triển khai được 296 mô hình phát triển sản xuất. Điển hình, huyện A Lưới có mô hình "Ngày nông thôn mới" góp phần vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh…là điểm sáng tại Thừa Thiên - Huế. Qua phong trào, đến nay bộ mặt nông thôn của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân. Tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng và có bước phát triển. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được triển khai và bước đầu được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân; hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, an ninh trật tự địa bàn nông thôn được đảm bảo. Tuy nhiên, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thừa Thiên - Huế một số hạn chế như rà soát, quy hoạch, đề án phát triển sản xuất ở một số địa phương còn khó khăn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm; công tác xóa đói giảm nghèo có chuyển biến nhưng chưa bền vững; nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh còn hạn chế; hạn hán và biến đổi khí hậu gần đây đã tác động đến tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương. Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên -Huế phấn đấu đạt 61/104 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 huyện (Quảng Điền và Nam Đông) đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Để đạt mục tiêu này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung nguồn lực cho các tiêu chí còn thiếu hụt ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Quảng Điền là thực hiện theo trình tự các tiêu chí “dễ làm trước khó làm sau”; các tiêu chí không cần hoặc ít nguồn lực đầu tư, tập trung thực hiện trước. Đối với các tiêu chí liên quan đến đầu tư hạ tầng như: giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, trường học, nhà văn hóa,… cần đặt mục tiêu lâu dài; tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, cần có bước đi phù hợp để bảo đảm cân đối nguồn lực, tránh lãng phí trong đầu tư. Huyện yêu cầu rà soát để không đặt ra nhu cầu quá cao đối với các tiêu chí, mà trong giai đoạn trước mắt chỉ cần đặt ra mức tối thiểu để phấn đấu, ưu tiên phát triển như giao thông vào khu sản xuất và hệ thống thủy lợi để phát triển sản xuất. Là một địa phương thuần nông lại là vũng thấp trũng, huyện Quảng Điền tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng việc lựa chọn các mô hình sản xuất có hiệu quả, áp dụng công nghệ cao và phù hợp với từng địa phương, có triển vọng nhân rộng và có thị trường; huy động, lồng ghép, bố trí nguồn lực cho chương trình để bảo đảm mục tiêu đề ra; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực; huy động nguồn lực tại chỗ, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời làm tốt việc vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng cấp thiết nhất phục vụ sản xuất nâng cao đời sống của nhân dân. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết, xã hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao để hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện tại, xã đã chọn 2 thôn La Vân Hạ và Phước Yên làm điểm xây dựng mô hình thôn kiểu mẫu và vườn mẫu. Theo đó, các thôn tiến hành nâng cấp, vệ sinh các tuyến đường xóm, xây dựng hệ thống tường rào, bờ dậu sạch đẹp. Nhiều hộ còn trồng hoa làm đẹp dọc vườn nhà, đường làng. Các mô hình kinh tế được chia sẻ, nhân rộng; riêng tại Phước Yên hiện có 6 vườn được chọn làm mẫu. Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Hoàng Công Phong cho biết, một trong những tiêu chí mà địa phương khó đạt nhất là thu nhập bình quân đầu người. Để nâng cao thu nhập, đời sống người dân, cùng với kết cấu hạ tầng không có con đường nào khác ngoài phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội. Các cấp, ngành tổ chức vận động, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các hộ gia đình mua máy cày đất, thu hoạch nông sản nhằm giảm chi phí đầu tư trong khâu sản xuất và thu hoạch... Hiện nay, mức thu nhập bình quân của người dân xã Quảng Thọ là 36 triệu đồng/người/năm, thu nhập chính từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Xã đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ với một số doanh nghiệp sản xuất lúa giống, rau má. Năm 2019, xã Quảng Thọ sẽ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm an toàn, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng đến nâng cao thu nhập của người dân địa phương từ nông nghiệp... Vấn đền cơ bản là khi thu nhập tăng cao, đời sống ổn định, người dân Quảng Thọ sẵn sàng hiến hàng nghìn m2 đất để phục vụ xây dựng bê tông hóa đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đi lại, sản xuất, vận chuyển nông sản. Đến nay 100% đường trục chính ở xã Quảng Thọ, trên 86,2% đường giao thông nội thôn, 96,6% đường nội đồng đã được nâng cấp, thảm nhựa và bê tông hóa. Nhân dân còn đóng góp tiền công xây dựng cổng vào các thôn và nhà văn hóa cộng đồng và tham gia ngày công xây dựng các công trình giao thông đường làng, ngõ xóm; giao thông nội đồng, đê bao, thủy lợi cơ bản hoàn thiện...

Quốc Việt

Có thể bạn quan tâm