Kiến tạo thể chế và hành động phát triển thành phố di sản Cố đô

Ngày 20/6, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO - Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương”.

vna_potal_kien_tao_the_che_va_hanh_dong_phat_trien_thanh_pho_di_san_co_do_tai_ninh_binh_7440057.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Hội thảo khoa học nhằm xác định rõ những quan điểm, định hướng chung, từ đó, thúc đẩy việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị để các đô thị di sản giữ được bản sắc, không xung đột với những giá trị của di sản cố đô trong quá trình hiện đại hóa. Đồng thời đáp ứng yêu cầu phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị vốn có.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định, Hội thảo là cơ hội để Ban Tổ chức được lắng nghe những ý kiến chuyên sâu, khách quan, đa chiều cho định hướng quản lý và phát triển các thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO, kiến tạo thể chế, xác định hành động địa phương cho các thành phố di sản nói chung. Từ đó khơi mở ra cho các đô thị di sản ở Việt Nam những bước đi rõ ràng, vững chắc.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình mong muốn, các nhà quản lý, nhà khoa học và đại biểu quan tâm, cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm như: Làm rõ những vấn đề lý luận về đô thị di sản, với xu hướng tôn trọng đa dạng hóa loại hình đô thị; xây dựng thương hiệu địa phương; phát triển du lịch, kinh tế di sản, công nghiệp văn hóa, tăng trưởng xanh; nhận diện đặc trưng, cấu trúc, chức năng của đô thị di sản và kinh tế di sản; định hướng phát triển và những giải pháp để quản lý, phát triển đô thị di sản nói chung và tại Ninh Bình nói riêng, tập trung phát huy các giá trị độc đáo, tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng hình mẫu kết hợp giữa bảo tồn, phục dựng và phát triển kinh tế di sản, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Đồng thời có kiến nghị cơ chế, chính sách phát triển đô thị di sản...

vna_potal_kien_tao_the_che_va_hanh_dong_phat_trien_thanh_pho_di_san_co_do_tai_ninh_binh_7440053.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cũng cho rằng, Hội thảo là cơ hội tốt để góp thêm tiếng nói, kinh nghiệm, trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý về công tác quản lý bảo tồn di sản, với mục tiêu kết nối các thành phố di sản.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng, những kinh nghiệm quý báu các chuyên gia, đại biểu chia sẻ, gợi mở trong Hội thảo sẽ là những định hướng để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Bình, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn quản lý đối với các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Việt Nam tham gia Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (Công ước UNESCO 1972) vào ngày 19/10/1987. Qua hơn 35 năm tham gia Công ước 1972, đến nay, Việt Nam đã có 9 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, trong đó, có các Di sản Thế giới gắn với các đô thị như: Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Phố cổ Hội An (Quảng Nam).

vna_potal_kien_tao_the_che_va_hanh_dong_phat_trien_thanh_pho_di_san_co_do_tai_ninh_binh_7440059.jpg
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành, địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các Di sản thế giới để các di sản này ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần cân bằng bảo vệ môi trường, củng cố hòa bình và an ninh theo hướng phát triển bền vững cho Việt Nam và thế giới.

Sau phiên khai mạc, các đại biểu thảo luận 4 chuyên đề: Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO; Nhận thức lý luận; Kiến tạo thể chế; Hành động địa phương.

Thùy Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm