Kiên Giang được mùa lúa Đông Xuân

Kiên Giang được mùa lúa Đông Xuân
Theo đó, vụ lúa Đông Xuân 2017 - 2018, tỉnh Kiên Giang gieo trồng 289.970 ha, đạt gần 100% kế hoạch, tập trung trên 3 vùng sản xuất trọng điểm là Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng.
Nông dân xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Lê Sen - TTXVN
Nông dân xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Đến thời điểm này đã thu hoạch 226.684 ha, đạt hơn 78% diện tích gieo trồng, năng suất bình quân 7,1 tấn/ha, tăng gần 1,5 tấn/ha so với vụ Đông Xuân 2016 - 2017. Giá lúa ở mức từ 5.300 đồng/kg lúa thường đến hơn 6.000 đồng/kg lúa chất lượng cao, tăng bình quân 1.000 đồng/kg so với vụ mùa năm 2017.
 
Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2017 - 2018 trong điều kiện thời tiết thuận lợi hơn so với năm trước, nông dân tuân thủ lịch thời vụ, gieo sạ phù hợp trên từng vùng, tiểu vùng an toàn, hạn chế được dịch bệnh phát sinh gây hại. Cơ cấu giống lúa chất lượng cao gieo trồng trên đồng đất đạt hơn 90%, với năng suất tương đối cao và giá lúa cũng khá cao, nông dân rất phấn khởi, vui mừng được mùa, được giá.
 
Điểm nổi trội trong vụ lúa Đông Xuân 2017 - 2018 ở tỉnh Kiên Giang là xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa theo hướng VietGAP, liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa hàng hóa giữa doanh nghiệp và hợp tác xã.

Thông qua gần 150 hợp tác xã đã có 10 doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, với tổng diện tích hơn 32.000 ha mang lại hiệu quả cho nông dân.
  
Sản xuất các giống lúa năng suất cao, chất lượng gạo tốt ngày càng mở rộng diện tích ở các cánh đồng lớn tập trung. Trong đó, diện tích sản xuất lúa Nhật có giá bán cao hơn các giống lúa thường khoảng 1,5 triệu đồng/ha, góp phần tăng giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân.
 
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, tỷ lệ thành công còn thấp, tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân phá vỡ hợp đồng còn nhiều.

Nhiều doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo chưa có đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để đầu tư ứng trước cho nông dân, chưa tổ chức được hệ thống thu mua lúa gạo, chủ yếu dựa vào thương lái.
  
Cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn; hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đơn điệu, chủ yếu theo hình thức thương thảo, thuận mua vừa bán giữa doanh nghiệp và nông dân, thiếu sự tham gia của nhà khoa học, ngân hàng,…
  Lê Huy Hải

Có thể bạn quan tâm