Kiên Giang: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Kiên Giang: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang, nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Kiên Giang: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch ảnh 1

Các đội ghe ngo của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang tham gia thi đấu. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Theo đó, từ nay đến năm 2030, tỉnh khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các ngành chức năng có liên quan tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, nhằm khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Cụ thể là khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin để bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu; thuê chuyên gia nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ nghiên cứu, bảo tồn lễ hội truyền thống. Đơn vị chức năng mua vật tư, nguyên vật liệu, dụng cụ, tài liệu, tư liệu, số liệu, sách, báo, tạp chí tham khảo, thiết kế, phần mềm, công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn lễ hội; tập huấn, truyền dạy phương pháp, kỹ năng bảo tồn lễ hội truyền thống; trình diễn, tái hiện lễ hội và những vấn đề khác có liên quan.

Tiếp đến, tỉnh xây dựng chính sách, hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trên địa bàn, đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận. Ngành chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể như: Tiếng nói, chữ viết, ngôn ngữ dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian… Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch gắn với việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống tại các điểm du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Tỉnh nghiên cứu, phục hồi bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, xây dựng mô hình văn hóa truyền thống và câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngành chức năng hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các địa phương, đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc; xây dựng nội dung, xuất bản sách, đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật, thi đấu thể thao trong các lễ hội nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang cho biết, gắn với phát triển du lịch, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; hỗ trợ chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Tỉnh đầu tư bảo tồn làng văn hóa truyền thống tiêu biểu có tiềm năng khai thác, phát triển kinh tế, du lịch; tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích lịch sử - văn hóa có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, kinh phí bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác. Tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, huyện, thành phố thực hiện vấn đề này.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, tỉnh có 49 xã được phân định khu vực thuộc vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn, với số dân hơn 261.130 người, chiếm gần 15% dân số toàn tỉnh. Trong số này, người Khmer trên 87%, người Hoa hơn 11%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Đồng bào Khmer sinh sống tập trung ở các huyện Gò Quao, Châu Thành, Giồng Riềng, Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, Giang Thành…

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc cho hay, thực hiện chính sách văn hóa – xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các ngày lễ hội, tết cổ truyền của người Khmer hàng năm đều được các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức theo phong tục cổ truyền với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Tỉnh đã nâng lễ hội Ok Om Bok (Oóc Om Bóc) của đồng bào Khmer tại huyện Gò Quao lên thành “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang” quy mô cấp tỉnh. Ngày hội được tổ chức hàng năm, trong đó điểm nổi bật là đua ghe Ngo truyền thống tạo không khí vui tươi, hào hứng, phấn khởi trong đồng bào Khmer.

Mặt khác, tỉnh tạo điều kiện cho đồng bào Khmer sửa chữa, trùng tu, tôn tạo chùa, tháp tôn nghiêm, khang trang, xây dựng lò hỏa táng người thân qua đời theo truyền thống, dạy chữ Khmer tại các điểm trường và chùa Khmer cho con em. Đặc biệt, ngành Văn hóa hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn Nghệ thuật Khmer của tỉnh hoạt động, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống và phục vụ đồng bào Khmer trong, ngoài tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho đồng bào Hoa xây dựng, tôn tạo chùa, miếu, nghĩa trang và các hoạt động của phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao mang bản sắc của người Hoa phục vụ cho nhu cầu thiết thực trong đời sống. Hiện nay, trong cộng đồng người Hoa có đội múa Lân – Sư – Rồng luôn phục vụ tốt trong các dịp lễ hội người Hoa và ngày Tết, lễ hội lớn của đất nước tổ chức tại địa phương. Đi đôi với ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hoa chú trọng việc học chữ Hoa, duy trì ở những địa phương có đông người Hoa sinh sống như: Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm