Kiên Giang: Ưu tiên phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kiên Giang: Ưu tiên phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Kiên Giang có 49 trong tổng số 116 xã được phân định khu vực thuộc vùng dân tộc thiểu số với dân số hơn 261.130 người, chiếm gần 15% dân số toàn tỉnh. Thực hiện chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh ưu tiên phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn, cải thiện đời sống và nâng cao sinh kế của đồng bào dân tộc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, tỉnh chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ vùng dân tộc thiểu số, kết nối với các vùng phát triển; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Tỉnh xóa dần các phong tục tập quán lạc hậu, mê tín di đoan, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc trưng của các dân tộc, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân 0,4%/năm trở lên theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030 giảm xuống dưới 2%. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm rải nhựa hoặc bê tông, trường học, trạm y tế xây dựng kiên cố, khang trang. 99% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác, 88% sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỉnh sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất…

Kiên Giang: Ưu tiên phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Một gia đình Khmer nuôi bò để tăng gia sản xuất. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản không còn các xã, ấp đặc biệt khó khăn, xóa tình trạng nhà ở đơn sơ, nhà ở không kiên cố, trên 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và hơn 85% số xã, ấp vùng này có đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. Tỉnh giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào dân tộc thiểu số, quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán; từ 80% trở lên số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa…

Để đạt những mục tiêu này, tỉnh đảm bảo nguồn lực thực hiện chiến lược công tác dân tộc, các chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, dạy nghề đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành có nhu cầu cấp thiết.

Kiên Giang tập trung các nguồn lực phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao thương, tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển mạnh hạ tầng kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc.

Cùng với đó, Kiên Giang đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước. Tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời nhận diện, chủ động đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng ly khai, tự trị dân tộc, bạo loạn, biểu tình, phá rối trật tự, an toàn xã hội.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm