Nông dân huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định chuẩn bị cây giống, phát triển diện tích rừng ngập mặt ven biển. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN |
Cùng với đó, không chuyển loại rừng đặc dụng ven biển sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất; hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển để sản xuất, kinh doanh, làm suy giảm diện tích và chất lượng rừng. Các địa phương kiện toàn lại các ban quản lý rừng và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách để quản lý bảo vệ rừng ven biển, không để xâm lấn, phá rừng trái pháp luật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát toàn bộ các dự án trồng rừng ven biển đã có quyết định phê duyệt, bố trí đất để trồng rừng và có biện pháp bảo vệ chặt rừng trồng, không để xâm canh, lấn chiếm, phá rừng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, diện tích, chất lượng rừng ven biển. Trường hợp hiện trường trồng rừng gặp khó khăn có thể điều chỉnh chuyển sang vị trí khác thích hợp nhưng không điều chỉnh giảm khối lượng đầu tư lâm sinh của dự án. Ưu tiên triển khai trồng rừng ven biển ngay từ đầu năm 2018, khi điều kiện thời vụ thuận lợi.
Sóc Trăng trồng rừng phòng hộ ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu Ảnh: Hoài Thu - TTXVN |
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 119/2016/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu. Coi việc quản lý, bảo vệ rừng ven biển là nhiệm vụ đặc biệt ưu tiên trong thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện Quyết định 120/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020”, các địa phương đã trồng mới được gần 9.200 ha và khôi phục được gần 3.200 ha rừng ven biển. Điều này đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi thành phần xã hội, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Tuy nhiên, trong những năm qua, một số địa phương vẫn chưa quyết liệt triển khai bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Kết quả trồng rừng ven biển đạt thấp, mới đạt 44,5% theo kế hoạch trong 3 năm và đạt 20% nhiệm vụ của đề án. Bên cạnh đó, tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất quy hoạch cho trồng rừng ven biển sang mục đích khác, xâm lấn đất rừng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và các hoạt động trái phép khác vẫn diễn biến phức tạp, có nơi trở thành điểm nóng chưa được xử lý đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả trồng rừng ven biển.
Bích Hồng