Kích cầu thu hút du lịch nội địa tại Kon Tum

Ngày 8/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức Chương trình thảo luận bàn về giải pháp kích cầu du lịch nội địa tại địa phương. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 64 năm Ngày thành lập Ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2024).

thac-pasy-040520242.jpg
Trình diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên tại thác Pa Sỹ, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Ảnh: Khoa Chương-TTXVN

Tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Bạch Thị Mân cho biết, những năm qua, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch từng bước được đa dạng hóa, các loại hình ấn phẩm du lịch đa dạng, phong phú. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch ngày càng được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của du khách, các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Kon Tum là địa phương có hơn 55% người dân tộc thiểu số. Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tích cực triển khai các mô hình về lĩnh vực du lịch cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát huy bảo tồn các di sản và giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn gắn với phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 13 điểm du lịch và 1 khu du lịch cấp tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng du khách đến địa bàn ước đạt 1.565.000 lượt, doanh thu đạt khoảng 427 tỷ đồng.

Tại chương trình, các đại biểu, nhà đầu tư, doanh nghiệp đã tích cực thảo luận, đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất, góp ý nhằm kích cầu và thu hút du khách đến tỉnh Kon Tum trong thời gian tới.

Chị Võ Thị Bích Thảo, Phó Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Hải Vân Ton Tum cho rằng, Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) là địa danh nổi tiếng được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng tuyến du lịch tại đây, đơn vị gặp khó khăn do công tác làm thủ tục để du khách đi qua Lào rất lâu. Đây được cho là trải nghiệm không tốt của du khách vì phải chờ đợi.

Đại diện Ê Ban Farm Măng Đen chia sẻ, trong quá trình đầu tư, xây dựng các địa điểm thu hút khách du lịch tại huyện Kon Plông, đơn vị gặp phải nhiều khó khăn trong đó có vướng nhiều cơ chế, pháp lý khó thực hiện. Việc đào tạo, sử dụng nguồn lao động tại chỗ là người dân tộc thiểu số rất rủi ro vì trình độ chuyên môn, ý thức kỷ luật còn hạn chế, dễ mang lại cho du khách trải nghiệm không đáng có.

Ghi nhận những ý kiến, đóng góp của các đơn vị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Bạch Thị Mân khẳng định, thời gian tới, Sở tiếp tục quản lý chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai quy hoạch các khu du lịch quan trọng đã đề ra, bảo đảm chất lượng, đúng quy hoạch. Các khu, điểm du lịch đã có quy hoạch cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.

Sở tập trung triển khai hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương và một số tỉnh, thành phố trong nước phát triển mạnh về du lịch; tổ chức kết nối các tour du lịch và thị trường khách du lịch theo hướng coi trọng khai thác khách nội địa, từng bước đẩy mạnh khai thác thị trường khách quốc tế trong khu vực ASEAN, thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các thị trường khách châu Âu, khu vực Đông Bắc Á, châu Mỹ. Đơn vị chú trọng hợp tác, liên kết với các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực du lịch của địa phương; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia làm du lịch cộng đồng, hướng đến xây dựng tỉnh Kon Tum là điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm