Ngày 27/7, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị khuyến nông toàn quốc năm 2022.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng nhấn mạnh, hoạt động của khuyến nông năm 2023 sẽ ưu tiên tập trung cho các nội dung sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp kinh tế, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP/VietGAHP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường gắn với chuyển đổi số, kinh tế thị trường.
Đồng thời liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi, kinh tế hợp tác nhằm xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng các vùng sản xuất có mã số vùng trồng; sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, cấp chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn quy định tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước các sản phẩm chủ lực của ngành nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt, hoạt động khuyến nông cũng sẽ chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn theo chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), phát triển kinh tế rừng, liên kết tổ chức sản xuất rừng gỗ lớn và lâm sản ngoài gỗ, nâng cao hiệu quả kinh tế...
Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh việc xã hội hóa dịch vụ khuyến nông, huy động sự vào cuộc, tham gia triển khai và góp vốn đối ứng từ các doanh nghiệp, đối tác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, lan tỏa của các dự án, mô hình khuyến nông.
Đổi mới nội dung và phương pháp triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông, đào tạo huấn luyện khuyến nông theo hướng bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp; gắn với các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số, công nghệ 4.0; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Về giải pháp, ông Hoàng Văn Hồng cho rằng khuyến nông cần được đa dạng nội dung, hình thức để phục vụ nhiều đối tượng từ người sản xuất, cán bộ khuyến nông đến chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp… Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động thông tin truyền thông, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu của hệ thống khuyến nông, kết nối hệ thống khuyến nông từ trung ương đến địa phương, đến từng người dân.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Khắc Dũng, để đảm bảo vai trò cầu nối giữa nhà khoa học và người dân của hệ thống khuyến nông, hàng năm Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần rà soát và xây giới thiệu các công nghệ, kỹ thuật mới, hiệu quả làm cơ sở để chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất, đặc biệt chú trọng đến công nghệ cao, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ khuyến nông.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai 162 dự án khuyến nông Trung ương, xây dựng 443 mô hình với 618 điểm trình diễn, với hơn 12 ngàn lượt hộ tham gia; tổ chức 510 lớp tập huấn cho hơn 15 ngàn lượt người; tập huấn ngoài mô hình cho 420 lớp với gần 13 ngàn lượt người…
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các dự án khuyến nông trung ương được triển khai đảm bảo tiến độ và mùa vụ sản xuất, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất như: sản xuất lúa hữu cơ, chăn nuôi lợn hữu cơ; sản xuất rau, quả, chè, các sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP/VietGAHP, sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết theo chuỗi, ứng dụng cơ giới hóa, tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và giảm tối đa chi phí sử dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật.
Văn Đức