Nhãn tím lạ, đẹp, bắt mắt, mới chỉ xuất hiện ở Sóc Trăng, được bán với giá 100 ngàn đồng/kg. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN |
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong năm 2016, sản lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam đã đạt con số thần kỳ với giá trị xuất khẩu lên tới 2,4 tỷ USD. Lần đầu tiên xuất khẩu trái cây vượt qua xuất khẩu gạo (chỉ đạt hai tỷ USD). Trong năm 2017, dự báo giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam có thể tiến gần đến con số ba tỷ USD.
Tại hội thảo, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cũng như các chuyên gia cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay khi đưa trái cây Việt Nam xuất ngoại đó là công nghệ chế biến để nâng cao giá trị nhằm đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện nay các thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam liên tục tăng trưởng. Bên cạnh Trung Quốc là thị trường lớn nhất (chiếm 70,8% thị phần), nhiều loại rau quả Việt Nam đã có mặt tại các thị trường cao cấp như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan và các thị trường như Malaysia, Thái-lan, Australia, Singapore…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Cường cũng cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn đang chủ yếu xuất khẩu trái cây tươi nên giá trị gia tăng thấp, dễ bị tác động của các rào cản kỹ thuật như kiểm dịch thực vật, chất lượng giảm nhanh, thời gian bảo quản ngắn vì chưa có công nghệ bảo quản tiên tiến và các vấn đề an toàn thực phẩm…
Trong khi tiềm năng của trái cây Việt Nam còn rất nhiều, vì vậy, chúng ta cần đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào khâu sản xuất, tăng cường phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm từ cây ăn trái với các sản phẩm đa dạng gồm trái cây đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, nước trái cây tự nhiên, nước trái cây cô đặc… nhằm gia tăng giá trị, mở rộng thị trường, tăng khối lượng xuất khẩu.
Theo : nhandan.com.vn