Gánh nặng bệnh tật do hoạt động thể lực không hợp lý gây ra 2,8% tổng số ca tử vong (12.648 ca tử vong) và 1,5% gánh nặng bệnh tật tính theo DALY (năm sống tàn tật hiệu chỉnh), ước tính tại Việt Nam năm 2010.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị trẻ em trong lứa tuổi 5 - 17 tuổi nên có ít nhất 60 phút hoạt động thể lực hàng ngày để đem lại những lợi ích cho sức khỏe. Ngoài ra, học sinh cũng cần có các hoạt động thể dục thể thao ít nhất 3 ngày/tuần. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tham gia các hoạt động này còn thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh dành thời gian cho các hoạt động tĩnh tại như xem tivi, chơi điện tử lại khá cao. Việc ngồi lâu xem tivi hay chơi điện tử ảnh hưởng đến thời gian dành cho các hoạt động hữu ích như tham gia các hoạt động cộng đồng, hoạt động tập thể tại trường hay thời gian dành cho các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, ngồi lâu cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em đang là một trong những vấn đề nổi cộm.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, để nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia tập thể dục thể thao, đặc biệt là học sinh nữ rất cần đưa nội dung này vào chương trình giảng dạy bài giảng liên quan đến lợi ích của việc tham gia các hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi cũng như những can thiệp trong nhà trường, huy động sự hỗ trợ từ gia đình để đạt hiệu quả cao nhất. Cùng với việc truyền thông tăng cường các hoạt động thể lực cần hạn chế để học sinh ngồi nhiều như xem tivi, chơi điện tử... nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm và tăng cường sức khỏe học sinh.