"Khu vàng xanh” ở miền Tây Nghệ An

Hiệu quả bước đầu trong việc triển khai trồng rừng pơ mu đã tạo được lòng tin trong nhân dân, làm thay đổi cơ bản thói quen từ đốt phá rừng trở thành người trồng, bảo vệ rừng của đồng bào Mông ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Văn Tý - TTXVN
Hiệu quả bước đầu trong việc triển khai trồng rừng pơ mu đã tạo được lòng tin trong nhân dân, làm thay đổi cơ bản thói quen từ đốt phá rừng trở thành người trồng, bảo vệ rừng của đồng bào Mông ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Văn Tý - TTXVN

Lọt thỏm giữa cánh rừng nghèo đầy cây bụi là cánh rừng pơ mu rộng gần 100 ha của người dân xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Những cây pơ mu, sa mu quý hiếm thẳng tắp, được đồng bào Mông trồng cách đây hơn 20 năm không chỉ mang lại giá trị về môi trường, phòng hộ, bảo vệ nguồn gen... mà còn là điểm đến của khách du lịch, mở ra cơ hội giúp người dân thoát nghèo.

"Khu vàng xanh” ở miền Tây Nghệ An ảnh 1Hiệu quả bước đầu trong việc triển khai trồng rừng pơ mu đã tạo được lòng tin trong nhân dân, làm thay đổi cơ bản thói quen từ đốt phá rừng trở thành người trồng, bảo vệ rừng của đồng bào Mông ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Văn Tý - TTXVN

Ông Vừ Rả Tênh, Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn nhớ lại, thời điểm đó, trước nguy cơ không còn cây pơ mu, bố ông - lúc đó là Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn - quyết định lên rừng tìm lại những cây pư mu con đưa về trồng. Bảy cha con tranh thủ thời gian, miệt mài tìm kiếm những cây con đưa về trồng. Sau này, khi việc kiếm tìm cây pơ mu càng hiếm, càng phải đi vào sâu trong rừng già, bố ông nghĩ đến việc lấy hạt ươm cây giống. Ngày những hạt pơ mu nảy mầm, bố ông như “bắt được vàng”. Có cây giống, gia đình ông đã mở rộng diện tích trồng. Chỉ tính từ năm 1996 đến năm 2000, gia đình ông đã trồng được 30ha pơ mu.

Từ năm 1995, với chủ trương xã hội hóa nghề rừng, thông qua Chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc (Dự án 327), đồng bào dân tộc được vận động tham gia trồng và bảo vệ rừng. Với mức hỗ trợ 2,5 triệu đồng/ha, vừa có rừng, vừa có tiền, phong trào trồng rừng lan rộng khắp xã Tây Sơn. Đến nay, sau hơn 20 năm, những cây pơ mu, sa mu ngày nào được gom nhặt trong rừng giờ đã vươn cao hàng chục mét, đường kính từ 30 - 50cm.
 
Anh Vừ Giống Mà (bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn) cho biết, ngay từ khi trồng, bà con đã nhận được tiền hỗ trợ. Khi cây lớn, bà con tiếp tục nhận được tiền dịch vụ môi trường rừng nên trồng rừng rất có lợi. Anh trồng và nhận chăm sóc bảo vệ gần 1ha pơ mu. Tiền dịch vụ bảo vệ môi trường rừng mỗi năm dù không được nhiều nhưng cũng giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập. Đồng bào Mông sinh sống trên núi cao, cây pơ mu, sa mu còn có tác dụng chống sạt lở, bảo vệ đất đai, bảo vệ bản làng.
 
Tây Sơn là xã có gần 100% là đồng bào Mông sinh sống. Giá trị mà rừng pơ mu, sa mu mang lại không chỉ là việc giữ rừng, phát triển kinh tế mà còn góp phần giữ gìn văn hóa của người Mông. Cuộc sống người Mông từ xưa đã gắn với cây pơ mu. Ở đâu có cây pơ mu, ở đó người Mông sinh sống, bởi theo bà con, vùng đất đó sẽ ít ruồi muỗi, bệnh tật. Gỗ cây pơ mu, sa mu rất tốt, không mối mọt, lại có hương thơm dịu nhẹ đặc trưng, người Mông thường dùng để dựng nhà. Đặc biệt, gỗ có tinh dầu, bà con thường dùng để làm mái nhà hàng chục năm không mối mọt, hư hỏng.
 
Ông Vừ Bả Rê, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho biết, để bảo vệ rừng pơ mu, sa mu, hàng năm, xã đều lập kế hoạch phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng. Chính quyền địa phương chú trọng tuyên truyền, mỗi lần chi trả dịch vụ môi trường rừng, chính quyền đều phổ biến cho người dân. Khu rừng này là điểm đến hấp dẫn người dân từ nhiều nơi, nhất là giới trẻ đến đây tham quan, dã ngoại, trải nghiệm qua đó có tác dụng tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân.
 
Theo thống kê, đến nay, địa bàn xã Tây Sơn có gần 100ha, trong đó, rừng pơ mu gần 90 ha, sa mu hơn 10 ha tập trung ở ba bản Huồi Giảng 1,2,3. Với giá trị ước tính lên tới trên 500 triệu đồng/ha, những cánh rừng pơ, mu sa mu hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế rất lớn. Hiệu quả bước đầu trong việc triển khai trồng rừng pơ mu ở xã Tây Sơn đã tạo được lòng tin trong nhân dân, làm thay đổi cơ bản thói quen từ đốt phá rừng trở thành người trồng, bảo vệ rừng của đồng bào.
 
Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, pơ mu, sa mu là cây gỗ quý hiếm phát triển tốt ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Kỳ Sơn đang tăng cường quản lý và bảo vệ rừng pơ mu, sa mu đồng thời, nhân rộng ra các xã có điều kiện khí hậu tương đồng như xã Tây Sơn, qua đó, nâng cao độ che phủ của rừng trên địa bàn, góp phần ổn định cuộc sống cho đồng bào. Hiện nay, một số hộ trên địa bàn đã mạnh dạn phát triển du lịch cộng đồng. Chính quyền địa phương rất khuyến khích bởi qua đó giúp bà con tăng thu nhập, vừa giáo dục mọi người ý thức bảo vệ rừng.
 
Những địa điểm trồng cây pơ mu, sa mu có cảnh quan đẹp, giao thông thuận lợi trở thành điểm dừng chân ở các tour, tuyến du lịch, qua đó, làm phong phú các sản phẩm du lịch, giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế và giữ được rừng.

Văn Tý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm