Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, thời gian qua Bệnh viện ghi nhận tình trạng bệnh nhi nhập viện do loét hành tá tràng ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Điều nguy hiểm, đa số phụ huynh cho rằng trẻ con thì không bị bệnh này, nên dễ dàng bỏ qua dấu hiệu đau bụng, hoặc nghi sang bệnh lý khác và tự ý mua thuốc cho trẻ uống. Do đó, trẻ thường được đưa đến viện muộn, khiến tình trạng bệnh trầm trọng, nhiều biến chứng, đẩy nguy cơ tử vong lên cao.
Như ngày 14/3, Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ) tiếp nhận bệnh nhi T.P.H (Nam, 15 tuổi, ngụ tại Cần Thơ) nhập viện với tình trạng nôn ói ra máu lượng nhiều, đi tiêu phân sệt màu đen, kèm theo đau bụng, chóng mặt, tụt huyết áp, da xanh xao.
Nhận định đây là một trường hợp chảy máu tiêu hóa mức độ nặng do loét dạ dày- tá tràng, các bác sĩ khẩn trương cấp cứu, hồi sức tích cực, bệnh nhi được truyền 6 đơn vị máu, dùng các thuốc ức chế tiết acid dạ dày. Khi Bệnh nhi ổn định tình trạng xuất huyết, các bác sĩ tiến hành nội soi dạ dày- tá tràng có gây mê. Kết quả nội soi cho thấy, bệnh nhi có một ổ loét to ở vùng hành tá tràng, kích thước 10 x 10mm, chẩn đoán loét hành tá tràng Forrest III, viêm dạ dày do vi khuẩn HP. Sau 12 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định và được cho xuất viện ngày 26/3, kèm theo hướng dẫn dùng thuốc và chế độ ăn uống kỹ lưỡng sau xuất viện.
Bác sĩ Thái Thanh Lâm, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa cho biết, loét dạ dày- tá tràng là một bệnh lý ngày càng phổ biến và trẻ hóa ở trẻ em, bệnh có thể gây biến chứng chảy máu tiêu hóa nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Trước đây, loét dạ dày – tá tràng là một căn bệnh rất ít gặp ở trẻ em nên đối với nhiều người, kể cả thầy thuốc, những cơn đau bụng ở trẻ thường được quy cho những nguyên nhân khác như rối loạn tiêu hóa, đau bụng do giun… Nhưng trên thực tế đau bụng do nguyên nhân loét dạ dày - tá tràng chiếm một tỷ lệ không nhỏ ở trẻ em từ 15 tuổi trở xuống. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng thủng dạ dày - tá tràng, nếu cấp cứu không kịp thời sẽ dẫn đến viêm phúc mạc (màng bụng), gây sốc và có thể tử vong.
Để phát hiện sớm bệnh và tránh bị nhầm sang bệnh lý khác, nhất là rối loạn tiêu hóa, phụ huynh cần lưu ý viêm dạ dày của trẻ em không giống người lớn, trẻ thường đau bụng bất thường, dấu hiệu đau vùng thượng vị của trẻ nhỏ chỉ 30%, còn lại đau quanh rốn và đau lan tỏa. Trẻ có thể ợ hơi, ợ chua, nôn, biếng ăn, hơi thở hôi… Ngoài ra, trẻ có thể mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút, mất tập trung trong học tập. Nhiều trường hợp có biểu hiện trầm cảm, căng thẳng, suy nhược thần kinh. Các triệu chứng có thể tăng lên sau khi ăn, nhất là ăn các loại thức ăn, đồ uống gây kích thích niêm mạc dạ dày như tỏi, ớt, chuối... Khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được tầm soát và điều trị kịp thời.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ, có thể do thuốc điều trị (thuốc chống viêm hoặc viêm do hoá chất như: Kiềm, axit, hoá chất sinh hoạt mà trẻ vô tình nuốt phải gây ngộ độc…). Mặt khác, nguyên nhân viêm dạ dày còn có thể bắt nguồn từ chế độ ăn quá nhiều chất hại dạ dày như chua, cay hay vấn đề của bệnh lý dạ dày, viêm dạ dày do tự miễn, phì đại niêm mạc dạ dày… Tuy nhiên, nguy hiểm hơn cả là loại vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) dễ gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng hoặc có thể dẫn đến ung thư dạ dày.
Ngoài ra, những căng thẳng trong cuộc sống hiện đại cũng là nguyên nhân gây hiện tượng tăng tiết dịch vị, làm cho dạ dày trẻ nhanh chóng bị viêm loét. Những stress đáng kể như: Bố mẹ li dị, áp lực học hành, những cảm giác mất mát hay thất bại trong cuộc sống, thậm chí là nghiện các trò chơi trực tuyến… Ở những độ tuổi có sự biến đổi tâm lý, rối loạn hành vi cảm xúc cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao.
Nếu nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng ở trẻ do vi khuẩn HP, thì vấn đề vệ sinh trong ăn uống cũng như quản lý chất thải là vô cùng quan trọng, vì vi khuẩn này lây theo đường ăn uống mà chuyên môn thường gọi là lây theo đường “phân - miệng”. Trong gia đình khi có người bị viêm loét dạ dày - tá tràng thì bát, đũa, cốc, chén... không nên dùng chung hoặc phải nhúng vào nước đun sôi sau khi đã rửa sạch. Cần xóa bỏ thói quen mớm cơm cho trẻ với bất kỳ hình thức nào. Nếu phụ huynh hoặc người giúp việc mà bị bệnh về dạ dày thì mớm cơm rất dễ dàng làm lây bệnh cho trẻ. Ngoài ra, việc quản lý chất thải, phân đóng vai trò đáng kể trong việc phòng bệnh. Bởi vì, nếu quản lý tốt các khâu này thì sẽ làm cho mầm bệnh không phát tán ra xung quanh và con người sẽ không bị lây nhiễm qua thức ăn, nước uống.
Điều trị bệnh dạ dày - tá tràng ở trẻ nhỏ cũng không đơn giản vì thuốc điều trị cho trẻ cũng khó khăn hơn, trong khi đó có những trẻ khi bác sĩ chỉ định thuốc, bố mẹ không sử dụng đúng liều điều trị nên dễ dẫn đến kháng thuốc. Hơn nữa, viêm dạ dày do HP rất dễ tái đi tái lại nếu không diệt hết nguồn lây. Vì thế, phác đồ điều trị bệnh dạ dày cho trẻ cần phải điều trị luôn cho những người thân nếu trong gia đình có người có biểu hiện đau, viêm dạ dày do HP để loại trừ nguồn lây.
Các thuốc được sử dụng để điều trị bao gồm các thuốc bọc niêm mạc dạ dày, thuốc giảm tiết dịch vị, giảm đau và có thể phải sử dụng thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn Helicobacter pylory...
Ngoài ra, một số biện pháp có thể dự phòng được loét dạ dày tá tràng ở trẻ em như ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, nên tạo một cuộc sống thoải mái, tránh các căng thẳng về mặt tâm lý cũng như điều trị tốt các bệnh lý đang có. Không nên tạo áp lực quá lớn về việc học hành dễ gây căng thẳng tâm lý cho trẻ. Tránh các loại thức ăn gây cọ xát làm tổn thương niêm mạc: rau già nhiều xơ (mướp, rau bí đỏ, đậu quả, rau muống, bắp cải, măng khô...); các thức ăn như: xương băm nhỏ, sụn, tôm cua, cổ cánh, chân gà, vịt, cá nấu, cá rán ăn cả đầu... Nên ăn các thức ăn có tác dụng bọc, hút, thấm niêm mạc như cơm nếp, bánh chưng, bánh mỳ, bánh quy, bánh xốp...
Ánh Tuyết