Nhờ chủ trương, chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước, khu vực biên giới của Lào Cai đã có những đổi thay rõ nét. Người dân các thôn, bản biên cương không chỉ thi đua phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa mà còn tích cực góp sức xây dựng quê hương. Huyện biên giới Mường Khương, nơi bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, đang từng ngày hồi sinh mạnh mẽ, mỗi mùa Xuân mới lại ghi nhận những thành tựu đáng tự hào về phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương từng là vùng đất khô cằn, cái nghèo, cái đói luôn đeo bám người dân địa phương. Cảnh người dân di cư, bỏ làng, bỏ bản cách đây hơn hai, ba mươi năm không phải hiếm. Thế nhưng, những thời khắc gian khó nhất đã qua, giờ đây, người Mông tại xã Tả Ngài Chồ đã làm nên những kì tích trên vùng đất khô cằn, khi đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Năm 2023, tổng sản lượng lương thực có hạt tại xã đạt 1.784 tấn, tổng đàn gia súc của xã là 3.520 con... Nhà xây mới khang trang giữa bản làng, "quả ngọt đã đơm hoa, kết trái" trên núi đá.
Anh Thào Seo Lìn, thôn Máo Chóa Sủ, xã Tả Ngài Chồ cho biết: "Trước kia, cả vụ ngô gia đình tôi thu được tầm 30 triệu đồng. Vụ đầu tiên lê được thu hoạch, mới hái bán được 3 ngày, tôi cũng thấy được bằng tiền bán ngô cả năm rồi. Mấy nữa mà cây lê phát triển hơn, ra nhiều quả, sẽ phải được gấp 4 - 5 lần, thậm chí là gấp 10 lần trồng ngô".Những năm gần đây, vùng biên Pha Long đã đổi thay tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Những nếp nhà khang trang mọc lên dọc biên cương Tổ quốc. Pha Long trở thành xã thứ 5 của huyện Mường Khương về đích nông thôn mới, người dân cũng chủ động hơn trong xóa đói, giảm nghèo.
"Nguồn vốn của gia đình ít nên tôi chọn nuôi gà. Để làm được, tôi đi học hỏi kinh nghiệm nuôi ở các trại lớn, rồi 2 vợ chồng tự hoàn thiện chuồng trại, làm hệ thống uống nước tự động", anh Vàng A Hồng, thôn Nì Xỉ, xã Pha Long, huyện Mường Khương chia sẻ.
Đất khô cằn nơi vùng cao núi đá cũng đã nở hoa, huyện Mường Khương đến nay đã phát triển được các vùng nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Toàn huyện hiện có trên 16.800 ha cây trồng hàng hóa, mang lại nguồn thu hơn 640 tỷ đồng mỗi năm. "Mường Khương được ví là vùng đất thép. Với truyền thống kiên cường, nhân dân Mường Khương vượt khó, bám trụ từng tấc đất để giữ biên cương. Chúng tôi tin rằng với hơn 71 km đường biên giới, Mường Khương sẽ được giữ vững và phát triển trong tương lai", ông Hoàng Trường Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện tự hào.
Ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Khương cho biết, huyện vùng cao biên giới này có 16 xã, thị trấn, gồm 157 thôn, tổ dân phố, trong đó có 9 xã, thị trấn giáp biên, dân số trên 68.477 người, 14.196 hộ gồm 23 dân tộc, dân tộc thiểu số chiếm trên 87,59%. Toàn huyện có 71,668 km đường biên giới. Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền lãnh thổ trên tuyến biên giới huyện Mường Khương cơ bản ổn định. Nhân dân các dân tộc và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang luôn yên tâm, phấn khởi, đoàn kết, khắc phục khó khăn, tập trung trí tuệ, sức lực, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, xây dựng địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh. Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, song với xuất phát điểm thấp, Mường Khương vẫn là một trong 74 huyện có đi kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của cả nước (tỷ lệ hộ nghèo của huyện tính đến năm 2023 là 33,19%; hộ cận nghèo chiếm 26,94%).
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng huyện biên giới Mường Khương vẫn có những khởi sắc trong công tác giảm nghèo. Năm 2023, huyện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn trên địa bàn ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần người dân không ngừng nâng cao. Kết thúc năm 2023, bình quân số tiêu chí xã nông thôn mới hoàn thành đạt 7,68 tiêu chí/xã, thị trấn. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đã tăng lên, đạt 31,07 triệu đồng/người. Số hộ nghèo năm 2023 là 4.711 hộ, chiếm 33,19%; hộ cận nghèo là 3.825 hộ, chiếm 26,94%, tỷ lệ giảm nghèo toàn huyện năm 2023 đạt 6,55%. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp và duy trì đi học chuyên cần hằng ngày tiếp tục có chuyển biến rõ nét và dần ổn định ở các cấp học. Các chính sách an sinh xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các chính sách dân tộc đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với nguyện vọng nhân dân, từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Khối đại đoàn kết các dân tộc ngày được tăng cường, đồng bào các dân tộc tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Công tác quân sự, quốc phòng tiếp tục được củng cố và giữ vững, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ổn định. Huyện đã gắn xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân, thế trận An ninh nhân dân với thế trận Biên phòng toàn dân, tập trung xây dựng cụm phòng thủ khu vực và cụm tác chiến biên phòng vững mạnh. Đồng thời, huyện quan tâm đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các xã, thị trấn biên giới gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt, trong năm 2023, có 923 hộ trên địa bàn đã thoát nghèo, hộ nghèo còn 33,19%, bức tranh các thôn bản vùng biên ngày càng khởi sắc.
Xuân đã về, mang theo những niềm vui, niềm hy vọng cho một năm mới hạnh phúc, bình an. Trong mỗi bản làng ở vùng cao Lào Cai, không khí Xuân cũng đang rộn rã, chan hòa, Còn đó những khó khăn, nhưng Xuân mới Giáp Thìn 2024 vùng biên giới Mường Khương vẫn rực rỡ chợ phiên, thắm sắc hoa đào. Nét bình yên hôm nay sẽ tiếp thêm sức mạnh để nhân dân các dân tộc nơi đây thêm quyết tâm xây dựng cuộc sống mới, góp sức giữ vững cương thổ Quốc gia.
Hồng Ninh