Long An có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của cả nước; là trung tâm kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng Đông Nam bộ, có vị trí quan trọng trong giao thoa kinh tế - văn hóa giữa 2 vùng, tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh và có đường biên giới với Vương quốc Campuchia, thuận lợi cho phát triển kinh tế biên mậu, lan tỏa tích cực đến sự phát triển chung của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới những năm vừa qua tại tỉnh Long An đã tạo thành phong trào sôi nổi, thu hút sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, tổ chức và doanh nghiệp; giúp đời sống nhân dân ngày một nâng cao, diện mạo nông thôn khởi sắc rõ nét.
Vùng biên giới đổi thay
Long An hiện có 121/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 75,2% số xã toàn tỉnh), đạt 85,2% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Đã có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 52,6% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Dự kiến trong năm 2023, tỉnh Long An sẽ có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ có 127/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 78,9% xã đạt chuẩn; có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Có thể nói rằng, thời gian vừa qua, Long An đã huy động nhiều nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển ở các huyện, thị xã biên giới, làm "thay da, đổi thịt" những vùng quê trước đây còn nghèo nàn, khó khăn, góp phần xây dựng vùng biên giới vững mạnh. Về thăm xã biên giới Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường hôm nay, nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ trước diện mạo xã khởi sắc, khang trang, tươi mới từ những con đường, trường trạm, và đời sống người dân đang ngày càng được nâng lên. Trước đây, xã có điểm xuất phát thấp, nguồn lực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật,... còn hạn chế, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn nhưng từ năm 2019 xã đã phấn đấu vươn lên, đạt chuẩn nông thôn mới, hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ phục vụ tốt việc đi lại, vận chuyển hàng hóa; hệ thống thủy lợi cũng được quan tâm nâng cấp; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống trường, lớp, trạm y tế được đầu tư đạt chuẩn theo quy định.
Cùng với xã Thạnh Thị, xã biên giới Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng cũng gây ấn tượng với những con đường trải nhựa, bê tông phẳng lì, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố, bộ mặt của xã nông thôn mới đang khởi sắc từng ngày. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đều được quan tâm đầu tư giúp việc sinh hoạt, sản xuất của người dân ngày càng thuận lợi. Xã hiện có 16 km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa (đạt 100%); 49,8 km đường trục ấp, liên ấp được bê tông hóa, cứng hóa (đạt 100%); 90% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; trên 99% đường trục chính nội đồng bảo đảm đi lại thuận tiện quanh năm. Bên cạnh giao thông, nhiều tiêu chí khác cũng được quan tâm thực hiện, 99,6% hộ dân trong xã sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh (trong đó, có 90,3% hộ dân sử dụng nước sạch); 92,8% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Trường học được xây dựng khang trang, xã có 2/2 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Thời gian qua, để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở, dạy nghề, nguồn vốn, phương tiện sản xuất đã được địa phương triển khai thực hiện, nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ được hỗ trợ phương tiện làm ăn, phát huy thế mạnh từ trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 53 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 3,5%.
Động lực thúc đẩy tiểu vùng Đồng Tháp Mười
Long An có đường biên giới dài trên 134 km giáp với nước bạn Campuchia, với các cửa khẩu: Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ), Cửa khẩu phụ Hưng Điền A (huyện Vĩnh Hưng) và nhiều đường mòn, lối mở qua địa bàn 20 xã biên giới của 6 huyện, thị xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương buôn bán của thương nhân, cư dân biên giới.
Xác định Khu kinh tế cửa khẩu Bình Hiệp là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển không những của tỉnh mà của cả tiểu vùng Đồng Tháp Mười, là đầu mối giao thương kết nối với các tiểu vùng sông Mê Kông của Campuchia với thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh đã quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Bình Hiệp với quy mô trên 168 ha. Trong đó, giai đoạn I hoàn thành và đưa vào hoạt động khu trạm kiểm soát liên hợp, bãi xe, đường giao thông kết nối bến thủy nội địa..., các hạng mục còn lại về hạ tầng kỹ thuật của khu đều đã hoàn chỉnh, đáp ứng tốt cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Hiện khu kinh tế cửa khẩu có 2 doanh nghiệp đang đầu tư nhà xưởng hoạt động trên diện tích trên 23 ha, giải quyết việc làm trên 2.300 lao động khu vực biên giới Kiến Tường và các địa phương lân cận.
Theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là giày, mốp xốp, điện năng, dây cáp điện, mì ăn liền; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là xoài và nguyên phụ kiện để sản xuất giày. Tuy số lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Bình Hiệp chưa được nhiều do “nút thắt" QL62 nhỏ, hẹp, mặt đường xuống cấp nhưng tới đây, khi được Bộ Giao thông Vận tải và Quốc hội rót vốn trên 2.257 tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng, địa phương cũng sẽ chủ động chuẩn bị nhiều phương án đón đầu như đưa vào hoạt động khu trung tâm thương mại, khu dân cư hiện đại và đầu tư hạ tầng giao thông kết nối từ Khu kinh tế cửa khẩu đến QL62.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Long An đạt 8,46%; GRDP bình quân đầu người đạt 90,2 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 22 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ… Tổng sản phẩm của tỉnh năm 2022 đạt 156.363 tỷ đồng, có quy mô lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 13,6%. Phấn đấu đến năm 2030, Long An sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL, trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Long An sẽ phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Long An tại thị xã Kiến Tường, các huyện Mộc Hóa và Vĩnh Hưng; xây dựng Khu kinh tế Long An tại huyện Cần Giuộc và huyện Cần Đước trở thành động lực tăng trưởng mới theo hướng hệ sinh thái công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và trung tâm logistics của tỉnh khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Long An phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 51 khu công nghiệp với tổng diện tích là 12.433 ha; quy hoạch mới 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 1.808 ha, tổng số các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 72 cụm với tổng diện tích là 3.989 ha.
Thu Hương