Khôi phục, trả lại hiện trạng ban đầu cho thắng cảnh bãi đá 7 màu và bãi rêu

Khôi phục, trả lại hiện trạng ban đầu cho thắng cảnh bãi đá 7 màu và bãi rêu
Bãi đá 7 màu tuyệt đẹp ở Bình Thuận. Ảnh: news.zing.vn
Bãi đá 7 màu tuyệt đẹp ở Bình Thuận. Ảnh: news.zing.vn

Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Tuy Phong khẩn trương tổ chức đoàn công tác (gồm các chuyên gia về tài nguyên môi trường, thủy lợi, bảo tồn, bảo tàng) kiểm tra, đánh giá cụ thể, xác định chính xác hiện trạng. Từ đó, báo cáo, đề xuất giải pháp khả thi để khôi phục, trả lại hiện trạng ban đầu cho bãi đá 7 màu, bãi rêu và khu vực liền kề đã bị san ủi trái phép.

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Bảo tàng tỉnh đưa vào kế hoạch khảo sát, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học và khoanh vùng bảo vệ thắng cảnh bãi đá 7 màu, bãi rêu tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong để trình UBND tỉnh xem xét, xếp hạng thắng cảnh cấp tỉnh vào năm 2020 (sau khi đã thực hiện khôi phục cơ bản hiện trạng bãi đá 7 màu và bãi rêu). UBND huyện Tuy Phong có báo cáo cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước, hành vi vi phạm trên lĩnh vực đất đai tại khu vực bãi đá 7 màu, bãi rêu tại xã Bình Thạnh; kết quả chỉ đạo xử lý vụ việc việc san lấp mặt bằng làm ảnh hưởng đến bãi rêu và bãi đá 7 màu.

Như tin TTXVN đã đưa, từ đầu tháng 1/2019, ông Cao Văn Cư, một hộ dân ở xã Bình Thạnh đã lấn chiếm hơn 4.000m2 đất công, tự ý thuê xe xúc, xe ủi san lấp mặt bằng và đồi cát đã lấp một phần bãi đá 7 màu, lấp bãi đá con, đe dọa bãi rêu và phần còn lại bãi đá 7 màu. Trước tình hình này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã cử đoàn công tác đến kiểm tra. Qua kiểm tra, Đoàn công tác cho biết, việc san ủi trái phép đất, cát từ trên đồi xuống phía biển với chiều dài khoảng 100m dọc bãi biển đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thắng cảnh bãi đá 7 màu và bãi rêu. Cụ thể, bãi đá Bà Khòm (bãi rêu) đã bị cát phủ ra tới mép nước biển, hiện đã không còn nhìn thấy bãi đá con phía trước; bãi đá 7 màu cũng bị cát phủ lấp một phần. Việc san ủi trái phép nêu trên đã phá hủy toàn bộ thảm thực vật trên mặt đất và dải phân cách tự nhiên (cây bụi, xương rồng) kéo dài khoảng 100m ngăn cách giữa bãi biển với thửa đất liền kề bị san ủi trái phép.

Bên cạnh đó, việc san lấp đã tạo thành đồi cát rất cao (khoảng 10m) tiếp giáp với bãi biển, bãi rêu và bãi đá 7 màu kéo dài khoảng 100m. Do đó, nguy cơ cát tiếp tục phủ lấp lên trên bãi rêu và bãi đá 7 màu rất cao, nhất là khi triều cường lên cao, gió mùa Đông Bắc, trời mưa. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, trong thời gian tới, thắng cảnh bãi đá 7 màu và bãi rêu tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong sẽ tiếp tục biến động do bị cát phủ lấp, không còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên vốn có.

Bãi đá 7 màu nằm ven biển thuộc xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong). Đây là bãi đá tuyệt đẹp chạy dài hơn 1 km với những viên đá đủ màu sắc và kích cỡ. Bãi đá 7 màu từ lâu là thắng cảnh nổi tiếng của huyện Tuy Phong nói riêng và của tỉnh Bình Thuận nói chung, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Nguyễn Thanh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm