Khơi dậy ước mơ và sự tự tin cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Gia Lai

Ngày 3/10, tại Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với UBND huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng cao nguyên”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì. Hơn 600 học sinh và giáo viên Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu tham gia sự kiện.

Nắng cao nguyênGiaLai.png
Chương trình triển lãm " Ước mơ của em" thu hút nhiều đại biểu và các em học sinh tham dự. Ảnh: nhandan.vn

Chương trình là kết quả của hoạt động sưu tầm, khảo sát thu thập tư liệu do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện vào tháng 4/2024 tại huyện Chư Pưh. Sự kiện không chỉ nhằm khơi dậy tinh thần vượt khó và theo đuổi ước mơ của các em học sinh, mà còn lan tỏa thông điệp quan trọng: “Phụ nữ dân tộc thiểu số hãy tự tin làm chủ cuộc sống”.

Theo số liệu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, huyện Chư Pưh là một trong những địa phương tại Gia Lai triển khai giai đoạn 1 (2021 – 2025) của Dự án 8 đạt nhiều chỉ tiêu cao. Cụ thể, 11/14 Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động, đạt 78,6% so với kế hoạch; 3/3 địa chỉ tin cậy cộng đồng được củng cố, nâng chất lượng trên cơ sở mô hình hiện có hoặc thành lập mới; 2/3 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của trẻ em được thành lập, nâng cao năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động, đạt 66,67% so với kế hoạch.

Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: Phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và rào cản khuôn mẫu giới. Để xóa bỏ những rào cản vô hình này, chúng ta rất cần những “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Các em học sinh, khi được trang bị kiến thức và kỹ năng sẽ trở thành những thủ lĩnh đó, để lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin làm chủ cuộc sống”.

Trong khuôn khổ sự kiện, chương trình tọa đàm “Tự tin tỏa sáng” đã tạo cơ hội cho các học sinh giao lưu với hai khách mời đặc biệt là bạn Sùng Thị Sơ (dân tộc Mông đến từ tỉnh Yên Bái), hiện làm việc tại một Công ty Luật; bạn H’Nen Nie (dân tộc Ê Đê đến từ tỉnh Đắk Lắk), là sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thông qua chương trình, 2 khách mời đã chia sẻ câu chuyện “xé rào định kiến”, nỗ lực cố gắng vươn lên để tỏa sáng và lan tỏa những năng lực tích cực trong cộng đồng.

Ngoài ra, tọa đàm, triển lãm “Ước mơ của em” cũng được khai mạc trong chuỗi sự kiện. Triển lãm trình bày những câu chuyện và chia sẻ về hành trình của phụ nữ và trẻ em vùng cao, những người đã và đang nỗ lực vượt qua rào cản giới. Các hoạt động hiệu quả của Dự án 8 đã được triển khai tại nhiều cấp Hội Phụ nữ, với mô hình tiêu biểu “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được thành lập trong các trường học tại Lào Cai, Gia Lai, Điện Biên, Quảng Bình và nhiều địa phương khác trên cả nước.

Triển lãm cũng phản ánh bức tranh thực trạng, rào cản cùng những ước mơ và khát vọng vươn lên của học sinh. Thông điệp mạnh mẽ từ triển lãm kêu gọi sự chung tay đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em dân tộc thiếu số trong hành trình xóa bỏ rào cản giới để khẳng định vị thế trong gia đình, xã hội.

Theo thầy giáo Nguyễn Thành Trung, Bí thư Đoàn trường, Dẫn trình viên Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Kpă Klơng, xã Chư Don, huyện Chư Pưh, toàn trường có gần 90% học sinh dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Jrai với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Cộng đồng dân tộc Jrai vẫn còn tồn tại những tập tục lạc hậu. Vì thế, Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” sẽ là hy vọng mang đến cho các em những cơ hội mở mang kiến thức và thay đổi bản thân, góp phần thay đổi gia đình, cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Pưh cho rằng, để hoạt động của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đạt hiệu quả, việc tuyên truyền đúng đối tượng là yếu tố then chốt. Việc chọn các học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 tham gia câu lạc bộ là sự lựa chọn đúng đắn, bởi đây là lứa tuổi đang phát triển rất cần những thông tin hữu ích giúp các em tự tin trong cuộc sống sau này.

Em Siu H’Uyên, học sinh lớp 8B, thành viên Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Kpă Klơng, xã Chư Don, huyện Chư Pưh chia sẻ, khi tham gia câu lạc bộ, em đã trở nên mạnh dạn hơn và tích cực tham gia nhiều hoạt động. Em cũng được trao cơ hội với nhiều kiến thức mới, vượt qua rào cản định kiến của xã hội để bước ra thế giới bên ngoài. Ước mơ của em là trở thành kiến trúc sư trong tương lai.

Dự án 8 không chỉ đề cập đến những vấn đề quen thuộc mà còn cần có cách tiếp cận và giải pháp mới. Sự vào cuộc quyết liệt và hiệu quả của nhiều ngành, nhiều cấp độ là cần thiết để nâng cao hiệu quả các hoạt động, thúc đẩy quyền lợi và trao cơ hội cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, giúp họ khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm