Gia Lai: Mở lớp học văn hoá, kiến thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Gia Lai: Mở lớp học văn hoá, kiến thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh Gia Lai trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, tỉnh dành nhiều sự quan tâm và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức nhiều lớp học xóa mù chữ cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao trình độ văn hoá, kiến thức và vai trò của người đồng bào dân tộc thiểu số trong cộng đồng.

Gia Lai: Mở lớp học văn hoá, kiến thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số ảnh 1Lớp học xóa mù chữ tại xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN phát

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho thấy, tình trạng mù chữ vẫn còn phổ biến ở các khu vực dân tộc thiểu số, vùng sâu và xa của tỉnh. Tình trạng này tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 15 đến 60, với tỷ lệ mù chữ mức độ 1 là 4,22%, tương đương hơn 44.300 người trong tổng số 1.049.500 cư dân ở độ tuổi 15 đến 60; mù chữ mức độ 2 chiếm 6,46%, khoảng 67.700 người. Đáng chú ý, có tới 50.964 đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện không biết chữ (chiếm 11,2%), phần lớn là phụ nữ. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và tương lai của họ mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đến nay, tỉnh Gia Lai mở được 226 lớp học xóa mù chữ cho trên 6.500 người dân tộc thiểu số ở 17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, với kinh phí gần 13 tỷ đồng. Học viên tham gia lớp học xóa mù chữ chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số Bahnar, Jrai… độ tuổi từ 30 - 60 tuổi. Lớp học thường được tổ chức vào các buổi tối trong tuần để chị em thuận tiện trong việc học. Tham gia lớp học, các chị em được hỗ trợ miễn phí hoàn toàn kinh phí học tập, sách, bút… Sau mỗi khóa học đều có sự đánh giá, tổng kết để khen thưởng, tuyên dương những học viên tích cực.

Gia Lai: Mở lớp học văn hoá, kiến thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số ảnh 2Lớp học xóa mù chữ tại xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN phát

Một trong những học viên nhiệt tình nhất của lớp học xóa mù chữ ở Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Chi Lăng, thành phố Pleiku) là chị Huynh, nay đã 50 tuổi. Chị Huynh chia sẻ, ngày xưa nhà nghèo lắm nên chị không có điều kiện học. Giờ được đi học, chị đã biết chữ và biết tính toán. Không những vậy, chị còn có thể đọc báo, xem tin tức, giao tiếp với người khác nên cảm thấy vui và tự hào lắm.

Không chỉ chị Huynh, nhiều chị em phụ nữ khác cũng rất hào hứng và quyết tâm tham gia lớp học xóa mù chữ. Chị Bùi Thị Minh Dương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú An, huyện Đak Pơ cho biết: Các chị em rất hào hứng đi học, mưa gió cũng đều đặn đến lớp. Sau mỗi khóa học, các chị em đều biết đọc, biết viết, biết tính toán cơ bản. Có cái chữ, tiếng nói, vai trò của người phụ nữ trong mỗi gia đình và xã hội đã có sự đổi thay tích cực, các chị em tự tin hơn khi hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Nhiệm vụ xóa mù chữ cho phụ nữ không chỉ đem đến kiến thức, văn hoá giúp giải phóng phụ nữ thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển của cộng đồng, xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Gia Lai: Mở lớp học văn hoá, kiến thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số ảnh 3Hỗ trợ tài liệu, bút, vở cho lớp học xoá mù chữ tại xã Tân Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN phát

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chư Drăng, huyện Krông Pa Ksor H’Druin chia sẻ, thành công lớn nhất của lớp xóa mù chữ mang lại là khi tham gia các buổi họp của Hội, chị em đã tự tin, mạnh dạn hơn rất nhiều. Ngoài ra, lớp xóa mù chữ còn giúp chị em tiếp cận được với khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tính toán hợp lý hơn.

Để nâng cao hiệu quả của các lớp học xóa mù chữ, tỉnh Gia Lai đã có những giải pháp cụ thể như tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con tham gia học tập; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu học tập; kiểm tra, đánh giá, tổng kết và khen thưởng kịp thời.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Cơ, địa phương đang duy trì 11 lớp học xóa mù chữ ở các xã, thị trấn với gần 400 học viên. Đa số học viên đều là người dân tộc thiểu số nên việc duy trì lớp học cũng gặp nhiều khó khăn. Để duy trì các lớp học xóa mù chữ này, các trường học trên địa bàn đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động, bố trí đủ giáo viên đảm bảo nề nếp dạy và học đúng giờ giấc. Các lớp học được bố trí đủ điều kiện về ánh sáng, bàn ghế và sách giáo khoa.

Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai Nguyễn Văn Đông khẳng định: Công tác xóa mù chữ đã từng bước củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, thúc đẩy phong trào “Xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng và địa phương.

Gia Lai: Mở lớp học văn hoá, kiến thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số ảnh 4Lớp học xóa mù chữ tại xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN phát

Trong giai đoạn 2021-2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đầu tư hơn 46 tỷ đồng để tổ chức 735 lớp học xóa mù chữ cho gần 23.500 người ở 176 xã. Đây là nỗ lực lớn của tỉnh nhằm đảm bảo quyền được học tập của mọi công dân, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, văn hoá của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.

Hoài Nam - Xuân Huy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm