Khơi dậy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc

Khơi dậy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc
Đồng bào dân tộc Hà Nhì với văn hóa ẩm thực đặc trưng. Ảnh: Quang Duy - TTXVN
 Đồng bào dân tộc Hà Nhì với văn hóa ẩm thực đặc trưng. Ảnh: Quang Duy - TTXVN

Còn tại Trung tâm Hội nghị văn hóa tỉnh, phần thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc cũng thu hút đông đảo khán giả đến tham gia. Tám huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lai Châu, mỗi đơn vị là một sắc thái văn hóa khác nhau: Dân tộc Thái trắng huyện Phong Thổ; Dao đỏ huyện Than Uyên; dân tộc Lào huyện Tân Uyên; Hà Nhì huyện Mường Tè; Mông huyện Sìn Hồ... đã tạo nêu sự đa dạng mà độc đáo, nhanh chóng cuốn hút du khách hòa mình vào những lời ca và điệu múa. 

Bà Lò Thị Thơm, ở xã Mường So, huyện Phong Thổ cho biết: “Khi biết có ngày hội này, tôi đã đi cùng con cháu lên thành phố để xem. Các tiết mục rất hay, từ múa dân vũ đến trình diễn trang phục dân tộc. Những hội thi thế này rất cần thiết để qua đây giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc đang dần bị mai một”. 
 
Văn hóa của một số dân tộc tỉnh Lai Châu được trưng bày tại ngày hội. Ảnh: Quang Duy – TTXVN
Văn hóa của một số dân tộc tỉnh Lai Châu được trưng bày tại ngày hội. Ảnh: Quang Duy – TTXVN

Tại Sân vận động thành phố Lai Châu, nơi diễn ra nội dung thi đấu các môn thể thao giữa các đoàn. Các môn thể thao đẩy gậy,  bắn nỏ, kéo co... đều là những trò chơi trong các dịp lễ hội của đồng bào. Mỗi trò chơi đều để giúp họ rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo; được vận dụng linh hoạt trong đời sống sinh hoạt thường ngày như săn bắt, hái lượm, lao động sản xuất. 

Theo anh Trần Anh Quân, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Thổ: “Chúng tôi đã tập luyện từ nhiều ngày trước với mong muốn sẽ đạt được thành tích cao trong ngày hội này. Ngoài việc tham gia thi đấu các môn thể thao, đoàn chúng tôi cũng trưng bày không gian văn hóa dân tộc Thái, thi văn nghệ quần chúng và tái hiện lại phần lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu của đồng bào dân tộc Thái huyện Phong Thổ. Thông qua đây mong muốn quảng bá những tiềm năng, lợi thế của huyện Phong Thổ, thu hút các nhà đầu tư đến với Lai Châu nói chung và đến với Phong Thổ nói riêng”. 
 
Du khách tham quan không gian trưng bày các hiện vật lịch sử. Ảnh: Quang Duy – TTXVN
 Du khách tham quan không gian trưng bày các hiện vật lịch sử. Ảnh: Quang Duy – TTXVN

Là tỉnh có 20 dân tộc sinh sống, Lai Châu có sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc vùng thiểu số. Trong khuôn khổ của ngày hội, Bảo tàng tỉnh Lai Châu đã triển lãm không gian văn hóa các dân tộc và được đông đảo cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu. Chị Hoàng Thị Lan Anh, thuyết minh viên bảo tàng tỉnh Lai Châu chia sẻ: Ngoài việc đón khách tham quan trực tiếp tại Bảo tàng tỉnh, đơn vị còn có hai không gian trưng bày triển lãm, đó là không gian triển lãm về các tư liệu chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam và không gian trưng bày các hiện vật lịch sử Lai Châu, tên gọi và văn hóa của một số dân tộc trong tỉnh. Đã có rất nhiều lượt khách tới đây để tham quan tìm hiểu,  nhiều các phụ huynh đưa con em mình đến để có thêm kiến thức cho những bài học. 
 
Tái hiện nghi lễ xin dâu trong đám cưới của dân tộc Mông. Ảnh: Quang Duy – TTXVN
 Tái hiện nghi lễ xin dâu trong đám cưới của dân tộc Mông. Ảnh: Quang Duy – TTXVN

Tại không gian văn hóa của các huyện, thành phố, mỗi trại trưng bày theo văn hóa đặc trưng của một dân tộc và tái hiện lại một nghi thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đó là Tết của đồng bào Hà Nhì (huyện Mường Tè); Lễ cưới của đồng bào dân tộc Dao đỏ (huyện Than Uyên); Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Cống (huyện Nậm Nhùn) hay Lễ cúng rừng của đồng bào Lào (huyện Tân Uyên)... Sau khi được xem các lễ hội, du khách dễ dàng tìm mua những nông sản được bày bán tại các gian hàng. Mỗi món ăn là một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của từng dân tộc, từ các loại gia vị truyền thống đến các món ăn, các loại dụng cụ lao động, trang phục truyền thống... 

Không chỉ hòa mình trong muôn sắc màu dân tộc, ngày hội còn tổ chức biểu diễn dù bay với chủ để “Bay lên đỉnh Pu Ta Leng” tại bản Sì Thâu Chải, huyện Tam Đường. Hoạt động này được coi là điểm nhấn du lịch mà tỉnh Lai Châu hướng tới trong tương lai. 

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu lần thứ I, năm 2017 là sự kiện văn hóa hưởng ứng năm Du lịch quốc gia Lào Cai - Tây Bắc. Tỉnh Lai Châu mong muốn qua sự kiện này, các nét văn hóa đặc trưng, truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được quảng bá rộng rãi tới bạn bè trong nước và quốc tế; đồng thời  là dịp để Lai Châu kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch.
Quang Duy 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm