Nghiên cứu được công bố ngày 13/1 trên tạp chí y khoa JAMA Network Open đã chỉ ra khoảng cách ngày càng nới rộng giữa số năm sống khỏe và tuổi thọ của người dân tại 183 quốc gia được nghiên cứu. Cụ thể, người dân ở những quốc gia trên có trung bình 9,6 năm sống trong tình trạng sức khỏe kém.
Theo nghiên cứu, trong số các nước thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi thọ trung bình khỏe mạnh (HALE - số năm một người có thể sống trong tình trạng khỏe mạnh) là 63,3 năm trong khi tuổi thọ trung bình là 72,5 năm. Điều này chỉ ra rằng mặc dù con người sống lâu hơn, nhưng một phần thời gian đó có thể phải chịu đựng các vấn đề sức khỏe. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng cách này đã tăng lên đáng kể trong khoảng 20 năm qua, từ 8,5 năm vào năm 2000 lên 9,6 năm vào năm 2019. Điều này phản ánh mức tăng 13% trong suốt 20 năm nghiên cứu, cho thấy gánh nặng bệnh tật mãn tính đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Mỹ là quốc gia có khoảng cách này lớn nhất, với 12,4 năm. Điều này có nghĩa là người Mỹ trung bình chỉ có khoảng 60 năm sống khỏe mạnh trong tổng số gần 73 năm tuổi thọ.
Các nhà nghiên cứu cho biết kết quả này nhấn mạnh rằng trên toàn thế giới, mặc dù tuổi thọ con người đang tăng lên, nhưng số năm sống chung với bệnh tật cũng có chung xu hướng. Giáo sư Andre Terzic, chuyên gia nghiên cứu tim mạch tại Mayo Clinic, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2019, tuổi thọ tăng nhanh hơn so với sức khỏe tốt. Những năm chịu gánh nặng bệnh tật có thể tích lũy trong suốt cuộc đời và không nhất thiết phải xảy ra vào cuối đời.
Hải Đăng