Khó khăn trong phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh

Diện tích gai xanh quá thời gian thu hoạch cũng bị sâu bệnh,thân úa vàng, ra hoa, ra quả.Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Diện tích gai xanh quá thời gian thu hoạch cũng bị sâu bệnh,thân úa vàng, ra hoa, ra quả.Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, đến tháng 11/2023, toàn tỉnh đã trồng được khoảng 1.000 ha cây gai xanh, tập trung nhiều nhất tại các huyện Cẩm Thủy hơn 413 ha, huyện Thạch Thành 108 ha, Bá Thước hơn 91 ha... Thế nhưng, đến thời điểm này đã có trên 200 ha gai xanh bị phá bỏ chuyển đổi sang cây trồng khác, thậm chí có nhiều huyện diện tích cây gai bị thu hẹp nhanh chóng như: Huyện Thạch Thành có 108 ha nhưng đã có 78,3 ha bị phá bỏ; huyện Cẩm Thuỷ trồng được hơn 400 ha nhưng có 50 ha bị phá bỏ; huyện Lang Chánh trồng được 60 ha nhưng cũng chỉ còn trên 10 ha; huyện Yên Định có tổng diện tích 10,2 ha nhưng đã phá bỏ hoàn toàn.

Khó khăn trong phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh ảnh 1Nhiều diện tích cây gai xanh của người dân chưa được thu hoạch do thiếu đầu ra. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Cây gai xanh được tỉnh Thanh Hóa xác định là cây chủ lực, nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, với những khó khăn hiện tại theo lộ trình tới năm 2025, tổng diện tích đặt ra trồng 6.400 ha chắc chắn không đạt được…

Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 1484/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên cây liệu gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án được thực hiện ở địa bàn 12 huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Triệu Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Hà Trung và Hoằng Hóa. Mục tiêu của đề án đến năm 2030, nâng tổng diện tích vùng gai nguyên liệu ổn định hơn 6.400ha. Tuy nhiêm, đến nay, do những vướng mắc trong hợp đồng liên kết với đơn vị tiêu thụ đã khiến nhiều thu nhập ổn định và kỳ vọng là cây xoá nghèo cho gia đình.

Tuy nhiên từ tháng 8/2022, việc thu mua sản phẩm sợi gai của Nhà máy dệt An Phước gặp nhiều khó khăn, hàng bị tồn, nhiều thị trường đóng cửa nên việc thanh toán kinh phí mua sợi gai bị chậm. Lo lắng, hoài nghi về tính bền vững của loại cây này, nhiều gia đình đã phải phá bỏ một phần diện tích cây gai xanh để trồng lại các loại cây trồng khác mang hiệu quả kinh tế cao hơn.

Gia đình ông Nguyễn Tiến Phượng và nhiều hộ dân tại xã Cẩm Tú (huyện Cẩm Thủy) cũng rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần khi nhà máy chậm thu mua khiến cho nguyên liệu sau khi thu hoạch bị tồn kho lâu ngày ẩm, mốc, hư hỏng. Diện tích gai quá thời gian thu hoạch cũng bị sâu bệnh,thân úa vàng, ra hoa, ra quả.

"Mặc dù được chính quyền địa phương tuyên truyền, động viên giữ lại cây gai xanh, tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp chậm trả tiền và ngừng thu mua sản phẩm một thời gian đã khiến người dân "đứng ngồi không yên". Với việc tiêu thu bấp bênh như thế này, buộc gia đình phải phá bỏ để trồng các loại cây trồng khác…", ông Phượng chia sẻ.

Khó khăn trong phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh ảnh 2Diện tích gai xanh quá thời gian thu hoạch cũng bị sâu bệnh,thân úa vàng, ra hoa, ra quả.Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Theo báo cáo của UBND xã Cẩm Tú, hiện nay trên địa bàn xã có 47 hộ tham gia trồng cây gai xanh với diện tích 91 ha. Từ đầu năm đến nay, do khó khăn trong tiêu thụ và không có nhân công lao động người dân đã phá bỏ gần 5ha diện tích trồng gai để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú cho biết, thời gian qua, qua nắm bắt tâm tư từ các hộ trồng gai xanh trên địa bàn, có nhiều hộ đã nhập nguyên liệu cho Nhà máy nhưng chưa được thanh toán gây khó khăn cho người trồng gai trong việc chi trả tiền công nhân; từ đó làm cho người dân không có vốn để tái đầu tư cho lứa gai sau. Nhiều gia đình thu hoạch gai mà không nhập được về nhà máy dẫn đến hư hỏng, gây thiệt hại lớn. Nhằm ổn định sản xuất và duy trì diện tích trông gai xanh hiện có, UBND xã Cẩm Tú đã có văn bản đề nghị UBND huyện Cẩm Thuỷ làm việc với Nhà máy Dệt An Phước để có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân trong thời gian sớm nhất. Theo đó, tháng 11/2023, Nhà máy đã trả một phần số nợ cho các hộ dân…

Huyện Cẩm Thủy được xem là "thủ phủ" của cây gai xanh. Sau nhiều năm phát triển vùng nguyên liệu, đến nay huyện đã trồng được 368 ha. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến ngành dệt may dẫn đến việc chậm thanh toán tiền và thu mua vỏ gai khô cho người dân. Trước tình hình nêu trên, UBND tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa không giao chỉ tiêu phát triển cây gai xanh nguyên liệu, nên huyện Cẩm Thuỷ không giao chỉ tiêu phát triển cây gai xanh trong năm 2023 và các năm tiếp theo cho các xã, thị trấn

"Giai đoạn vừa qua, việc doanh nghiệp chậm thanh toán và dừng thu mua nguyên liệu đã gây tâm lý lo lắng không yên tâm sản xuất cho các hộ tham gia trồng cây gai xanh. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều diện tích gai không đạt về chiều cao tối thiểu, bị sâu bệnh chết nhiều, trong khi đó giá trị sản xuất mía, sẵn tăng nên nhiều gia đình đã phá bỏ diện tích trồng gai để trồng các loại cây khác. Tính đến nay, diện tích trồng cây gai xanh trên địa bàn đã giảm hơn 50 ha so với thời điểm cuối năm 2022", ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Cẩm Thủy cho biết.

Khó khăn trong phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh ảnh 3

Được chính quyền động viên, ông Nguyễn Công Đéc vẫn đang giữ lại một phần diện tích gai xanh. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã phối hợp với Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng vùng nguyên liệu cây gai đến hết năm 2023. Các đại biểu tham gia hội nghị đã đánh cụ thể kết quả đạt được cũng như những tồn tại hạn chế trong việc phát triển vùng nguyên liệu gai xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị doanh nghiệp làm rõ phương án, lộ trình cụ thể về việc phát triển vùng nguyên liệu gai xanh trên địa bàn tỉnh; tập trung tháo gỡ những khó khăn nội tại trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, để người trồng gai yên tâm sản xuất.

Khó khăn trong phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh ảnh 4Người trồng gai xanh hy vọng thời gian tới, chính quyền và doanh nghiệp sớm tháo gỡ khó khăn để người dân gắn bó lâu dài với cây trồng này. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị chính quyền địa phương vận động các hộ dân trồng lại diện tích cây gai xanh đã phá bỏ; có kế hoạch mở rộng diện tích cây trồng này để tạo nguyên liệu cung cấp cho nhà máy. Các địa phương phối hợp với công ty khảo sát vùng nguyên liệu, cung cấp cây giống, ổn định đầu ra cho bà con nông dân; thành lập các hợp tác xã trồng gai xanh để tạo đầu mỗi liên kết bền chặt giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp.

Khiếu Tư- Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm