Khó khăn trong bảo tồn và khai thác văn hóa cồng chiêng ở Kỳ Phú

Khó khăn trong bảo tồn và khai thác văn hóa cồng chiêng ở Kỳ Phú
Đội văn nghệ quần chúng huyện Nho Quan luyện tập biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: baoninhbinh.org.vn
Đội văn nghệ quần chúng huyện Nho Quan luyện tập biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: baoninhbinh.org.vn

Kỳ Phú là xã vùng cao ở phía Tây Nam của huyện Nho Quan, có dân số trên 5.000 người, với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường, sinh sống ở 13 bản. Cồng chiêng là nhạc cụ truyền thống, đặc sắc, được sử dụng trong tất cả các lễ hội sinh hoạt cộng đồng của người Mường nơi đây bao đời nay. Văn hóa cồng chiêng của người Mường đã tồn tại cùng với quá trình ra đời, hình thành và phát triển của dân tộc Mường. Trước đây, trong mỗi gia đình đồng bào Mường đều có ít nhất 1 chiếc cồng chiêng, những nhà giàu có thì có tới 2, 3 bộ. 

Theo lời kể của các cụ cao tuổi ở xã Kỳ Phú, những người Mường ở xã Kỳ Phú hiện cũng không còn nhớ rõ nguồn gốc của cồng chiêng có từ khi nào, chỉ biết rằng những người Mường đầu tiên di cư từ Hòa Bình xuống đã mang theo những chiếc cồng, chiêng và sử dụng trong mỗi dịp lễ hội, mừng Xuân, tang lễ. Đặc biệt, trong dịp Tết cổ truyền, đồng bào Mường đều nô nức mong chờ đến ngày 30 Tết để tham gia vào điệu hát Sắc bùa. Trong các lễ hội của người Mường thì hát Sắc bùa là một hình thức hát Chúc và sử dụng cồng chiêng nhiều nhất. Vào ngày 30 Tết, mỗi bản có ít nhất một Phường bùa, bản nào rộng có tới 2, 3 Phường bùa, mỗi Phường bùa phải có ít nhất 1 dàn cồng chiêng đi theo. Cồng chiêng khi đó được sử dụng và được xem như một nhạc cụ, một nét đẹp không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc Mường.

Tuy nhiên, nhiều năm nay, nét văn hóa này đang bị mai một. Trong các dịp lễ hội, mừng Xuân…, người ta không còn được nghe tiếng cồng chiêng vang trên các bản làng. Ở xã Kỳ Phú hiện nay, cồng chiêng không còn được sử dụng nhiều trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Mường mà chỉ được sử dụng trong Lễ hội xuống đồng của đồng bào Mường ở các bản Sau, Ao và Cả.

Nguyên nhân trước hết là do đồng bào chưa ý thức được tầm quan trọng và giá trị văn hóa của cồng chiêng nên một số gia đình trong bản đã bán hoặc đổi cồng chiêng đi. Nếu như trước đây, hầu như mỗi gia đình người Mường đều có ít nhất 1 chiếc chiêng trong nhà thì hiện nay gần như không còn, chỉ còn rải rác một vài gia đình và thường được đưa vào nhà thờ họ hoặc đưa lên các hang núi để thờ. Hiện xã Kỳ Phú chỉ còn giữ được 3 bộ cồng chiêng đầy đủ, 1 bộ do UBND xã quản lý, còn lại tồn tại rải rác trong các gia đình. Số lượng cồng chiêng lưu giữ không còn nhiều, kéo theo đó là những bản nhạc những bài chiêng cũng mai một.

Theo ông Vũ Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú, do đặc điểm địa lý người Mường sống xen kẽ với đồng bào Kinh nên việc bảo tồn được những nét văn hoá truyền thống của người Mường gặp nhiều khó khăn. Xã đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đầu tư xây dựng một nhà văn hóa cấp quốc gia để làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào Mường, trong đó có việc phục dựng và bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Tuy nhiên, dự án này chưa khai thác hiệu quả do đồng bào Mường sống rải rác, nhà văn hóa lại ở quá xa với nơi tập trung đông đồng bào.

Bên cạnh đó, người biết đánh được những bài chiêng hoàn chỉnh cũng rất ít (chỉ còn khoảng 30 người), chủ yếu là các cụ già và những người trung tuổi. Vì vậy, việc khôi phục các bản nhạc chiêng đang có nguy cơ mai một, khôi phục lại nét sinh hoạt văn hóa cồng chiêng vốn đã tồn tại hàng nghìn năm nay của người Mường là rất cấp thiết. 

Bà Bùi Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Nho Quan cho biết: Trên địa bàn huyện Nho Quan, ngoài xã Kỳ Phú, cồng chiêng còn được lưu giữ được ở một số xã trong huyện như Cúc Phương, Phú Long và rải rác xen kẽ ở các xã Quảng Lạc, Văn Phương, Yên Quang, Thạch Bình, Xích Thổ, Gia Sơn. Do đặc điểm địa lý và đời sống của người Mường nên việc khôi phục và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường cũng gặp một số trở ngại. Đặc biệt, do điều kiện kinh tế của đồng bào còn nhiều khó khăn nên việc giữ gìn và phát huy những bản sắc dân tộc chưa được đồng bào chú trọng. 

UBND huyện đã xây dựng đề án “Bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường”, trong đó chú trọng đến công tác phục dựng lại nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cồng chiêng và tạo không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng cho đồng bào Mường. Đề án này đang trình UBND tỉnh phê duyệt.
Thùy Dung
TTXVN

Có thể bạn quan tâm