Cắt băng khánh thành bia chiến công 11 cô gái sông Hương.
Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
|
Công trình có vốn đầu tư 2,8 tỷ đồng do cán bộ viên chức lao động, lực lượng vũ trang, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, nữ tu các tôn giáo, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đóng góp. Đây sẽ trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, thắp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ.
Trong niềm xúc động khi về dự lễ khánh thành Bia tưởng niệm, chị Chế Thị Mừng-một trong những cô gái sông Hương ngày ấy cho biết, thời gian trôi qua, những gì thuộc về quá khứ có thể bị mờ dần hoặc lãng quên theo năm tháng. Nhưng với dân tộc, Quân đội Nhân dân Việt Nam và với những người trải qua các mùa chiến dịch, những trận chiến ác liệt trên chiến trường chống Mỹ, thì cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là ký ức lịch sử không thể nào quên, nhất là đối với những người nữ du kích của Tiểu đội 11 cô gái sông Hương. Công trình dựng Bia chiến công hôm nay đã thể hiện sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đối với Tiểu đội 11 cô gái sông Hương, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968.
Công trình Bia tưởng niệm và ghi công 11 cô gái sông Hương gắn với những chiến công của họ trong những ngày đánh Mỹ. Lịch sử Đảng bộ thành phố Huế ghi rõ, ban đầu họ tập hợp nhau lại trong một tiểu đội xung phong làm nhiệm vụ tải thương, dẫn đường cho bộ đội tiến công vào giải phóng thành phố. Về sau, chính họ đã anh dũng chiến đấu đẩy lùi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ được trang bị vũ khí hiện đại, có xe tăng, máy bay yểm trợ ngay giữa lòng thành phố Huế. Do thông thuộc địa bàn, 11 cô gái sông Hương được tổ chức thành một tiểu đội, ban ngày tổ chức xây dựng lực lượng nòng cốt, chiều tối đi gài đặt lựu đạn giết ác ôn và tổ chức đưa đón, dẫn đường cho các chiến sĩ vào chiến đấu giải phóng thành phố.
Riêng trận đánh đêm 11 sáng 12/2/1968 cả Tiểu đội 11 cô gái sông Hương với các vũ khí được trang bị AK, K44, một số mìn và lựu đạn nhưng đã dàn trận khắp các địa điểm tại khách sạn Hương Giang, Đại học sư phạm, chợ Cống, Xuân Phú để cầm cự và đánh lui cả một tiểu đoàn lính Mỹ có nhiều xe bọc thép và máy bay chiến đấu yểm trợ, diệt 70 tên địch và 4 xe tăng, thu nhiều vũ khí của địch để trang bị phục vụ chiến đấu. Nhiều chị em đã anh dũng hy sinh ngay trong trận chiến đấu đó, trong đó có Tiểu đội trưởng Phạm Thị Liên và Tiểu đội phó Đỗ Thị Cúc khi tuổi đời họ còn rất trẻ. Chiến công của 11 cô gái sông Hương đã được Bác Hồ gửi thư khen:
"Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường
Bác khen các cháu dân quân gái
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương"
Năm 2009, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương còn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì những chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước./.