Ngày 18/6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng cùng các sở, ngành chức năng thành phố khảo sát thực tế, kiểm tra tình hình sạt lở trên kênh Thạnh Đông thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Cách đây bốn ngày, trên tuyến kênh Thạnh Đông thuộc địa bàn phường Phú Thứ, quận Cái Răng, đã xảy ra một vụ sạt lở, làm sụp hoàn toàn đoạn đường giao thông qua khu vực với chiều dài khoảng 40 m, rộng từ 2 - 3 m.
Theo nhiều người dân tại địa phương, khu vực trên không có dấu hiệu rạn nứt nhưng đến ngày 14/6, bờ kênh bất ngờ bị sạt lở, làm đoạn đường giao thông nông thôn tại khu vực Khánh Hưng, phường Phú Thứ, bị đổ ụp xuống kênh. Ngay lúc sạt lở, 2 xe máy chạy trên đường cũng bị rơi xuống kênh. Rất may, 2 người điều khiển xe máy không bị thương tích, ảnh hưởng đến tính mạng. Chính quyền địa phương huy động lực lượng cùng người dân hỗ trợ trục vớt phương tiện lên bờ an toàn.
Trước đó một tuần, bên phía bờ phải của con kênh cùng khu vực Khánh Hưng cũng bị sạt lở một đoạn dài trên 40 m, tạo thành một hàm ếch rất sâu phía dưới đường bê tông chạy dọc bờ kênh. Chính quyền địa phương đã cắm biển báo nguy hiểm, đề nghị người dân hạn chế qua lại vì con đường có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Ông Trần Văn Thậm, Trưởng phòng Kinh tế kiêm Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn quận Cái Răng cho biết, tuyến đường giao thông tại khu vực Khánh Hưng là tuyến giao thông chính tại địa phương, nối liền với khu vực lân cận. Vụ sạt lở khiến giao thông ở đây bị gián đoạn. Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn quận Cái Răng và UBND phường Phú Thứ đã lên phương án mở đường tạm phía trong để người dân thuận tiện đi lại; đồng thời tiến hành khảo sát tình trạng sạt lở, có dấu hiệu sạt lở trên toàn tuyến kênh Thạnh Đông để có kế hoạch đề nghị thành phố hỗ trợ khắc phục.
Theo đại diện UBND quận Cái Răng, kênh Thạnh Đông với chiều dài khoảng 10 km, có điểm đầu từ sông Hậu đi qua địa bàn các phường Tân Phú, Phú Thứ và Thường Thạnh của quận Cái Răng. Trong những năm gần đây, nhất là từ đầu năm 2020 đến nay, tình trạng sạt lở trên tuyến kênh này diễn ra ngày càng phức tạp. Đến nay, kênh Thạnh Đông đã có 11 điểm sạt lở, trong đó có những điểm sạt lở chiều dài hàng chục mét, làm sụp cả một đoạn đường giao thông xuống kênh, khiến cho việc đi lại của người dân bị gián đoạn.
Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thành phố khẩn trương triển khai một số biện pháp nhằm khắc phục sự cố sạt lở, đảm bảo việc đi lại cho người dân, như: Tiến hành gia cố những vị trí bị sạt lở để giữ chân đất, mở đường đi tạm phía trong, gắn biển cảnh báo để người dân nâng cao cảnh giác, hạn chế qua lại trên những đoạn đường bị sạt lở... Đồng thời, Chi cục Thủy lợi phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát những vị trí có nguy cơ sạt lở để có những biện pháp chủ động ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Tại Kỳ họp thứ 16 (Kỳ họp bất thường) tổ chức ngày 12/6, Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, đã thông qua Tờ trình và quyết định chủ trương đầu tư 4 dự án xây dựng cơ bản, trong đó có 3 dự án chống sạt lở bức xúc trên địa bàn trong thời gian qua gồm: Dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn (đoạn từ cầu Ô Môn đến vàm Ba Rích); Dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn, phường Thới An, quận Ô Môn và Dự án Kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Ba dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 535 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2020-2023.
Từ đầu năm đến nay, Cần Thơ đã xảy ra 20 vụ sạt lở (tăng 13 điểm so với cùng kỳ năm 2019), tổng chiều dài các đoạn sạt lở hơn 1.000 m, gây thiệt hại tài sản trên 12 tỷ đồng.
Thanh Liêm