Giông lốc kèm theo mưa đá gây thiệt hại nặng nề ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ảnh : TTXVN phát |
Với phương châm “4 tại chỗ” các lực lượng vũ trang, các đoàn thể trên địa bàn các huyện bị thiệt hại nặng do mưa dông kèm theo gió lốc như huyện Quang Bình, Xín Mần, Bắc Quang, Quản Bạ đã khẩn trương xuống cơ sở giúp đỡ các hộ bị thiệt hại do mưa dông, lốc sớm ổn định cuộc sống. Nhiều đoàn công tác đã về các địa phương kiểm tra, xác minh, thống kê thiệt hại để có phương pháp hỗ trợ kịp thời.
Trước đó, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao, nên ngày 8/4 tại một số địa phương của tỉnh Hà Giang có mưa vừa, mưa dông kèm theo gió lốc gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, tại huyện Bắc Quang đã có 1 người chết, nạn nhân là ông Triệu Chàn Châu (sinh năm 1974) ở xã Tân Lập, huyện Bắc Quang bị cây đổ vào người. Mưa lớn kèm theo dông lốc cũng làm 1 người bị thương do cây đổ. Toàn tỉnh có gần chục ngôi nhà bị sập, đổ hoàn toàn; hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, tốc mái hoàn toàn. Ngoài ra, có gần 20 công trình nhà lớp học, nhà văn hóa, trạm kiểm lâm… bị tốc mái. Gần 50 ha ngô và gần 10 ha rừng ở huyện Quang Bình bị thiệt hại.
Đặc biệt, mưa dông kèm theo gió lốc cũng khiến 1 trường học ở xã Tân Nam, huyện Quang Bình bị tốc mái hoàn toàn. 13 điểm trường ở các huyện Quang Bình, Xín Mần bị tốc mái, hư hỏng nặng… Ước tính tổng giá trị thiệt hại khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang cho biết thêm, trước những diễn biến khó lường của thời tiết, hiện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang đề nghị các địa phương trong tỉnh bố trí trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để nắm bắt diễn biến của thời tiết và xử lý thông tin kịp thời. Khi phát sinh các tình huống cần thực hiện tốt phương án đã xây dựng và phương châm "4 tại chỗ” để xử lý trước mắt và thường xuyên cập nhật thông tin báo cáo nhanh về tỉnh. Các địa phương cần rà soát, thống kê các hộ sống ở các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét để có phương án di chuyển gấp khi cần thiết. Chuẩn bị địa điểm an toàn, lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng cứu để hỗ trợ sơ tán, di chuyển, ứng cứu người, tài sản đến nơi an toàn khi có tình huống thiên tai nguy hiểm xảy ra.
Minh Tâm