Khẩn trương giúp đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc khắc phục thiệt hại do mưa đá, gió lốc

Khẩn trương giúp đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc khắc phục thiệt hại do mưa đá, gió lốc
Trên địa bàn huyện Mường Tè (Lai Châu) nhiều nhà dân bị cây cối đổ vào nhà, không thiệt hại về người. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Trên địa bàn huyện Mường Tè (Lai Châu) nhiều nhà dân bị cây cối đổ vào nhà, không thiệt hại về người. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Cụ thể, trận mưa đá kèm theo gió lốc kéo dài hơn 30 phút, xảy ra ở 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lai Châu (gồm các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ và thành phố Lai Châu). Mặc dù không gây thiệt hại về người, nhưng mưa đá kèm theo gió lốc đã gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Thống kê sơ bộ của chính quyền các địa phương, đến cuối giờ sáng 23/4, mưa đá kèm theo gió lốc đã làm thiệt hại gần 800 ngôi nhà, trong đó có gần 20 nhà dân và 1 nhà đa năng trường tiểu học bị đổ sập hoàn toàn. Ngoài ra, mưa đá, gió lốc cũng làm dập nát, đổ gãy trên 320 ha cây ăn quả, lúa Đông Xuân, ngô Xuân Hè, dong riềng... của người dân ở hai huyện Tân Uyên và Tam Đường.

Huyện Tam Đường là địa phương hứng chịu nhiều thiệt hại nhất trong đợt thiên tai lần này. Ghi nhận đến 10 giờ ngày 23/4, đã có gần 400 ngôi nhà bị thiệt hại, gần 300 ha lúa, ngô, dong riềng và địa lan bị đổ gãy, dập nát, ước tính thiệt hại ban đầu gần 7,5 tỉ đồng. Ngoài ra, có hàng trăm con gia cầm bị chết và nhiều hạng mục công trình Nhà nước bị thiệt hại.

Ông Trần Văn Sứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Ngay sau khi xảy ra thiên tai, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xuống nắm tình hình, huy động lực lượng tại các xã, thị trấn hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về nhà cửa; hướng dẫn nhân dân rà soát diện cây trồng bị thiệt hại. Cùng với việc vận động nhân dân chủ động sửa chữa nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống, UBND huyện cũng đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn về cơ sở, hướng dẫn người dân chăm sóc diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu cho biết: Đây là đợt mưa đá, gió lốc thứ 6 xảy ra trên địa bàn từ đầu tháng 3 đến nay, ước tính tổng thiệt hại khoảng 70 tỉ đồng. Thiên tai do mưa đá, gió lốc gây ra được dự báo sẽ còn tiếp diễn trên địa bàn, vì vậy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các huyện tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ để kịp thời ứng phó, khắc phục khi tình huống xảy ra.

Hiện cơ quan chuyên môn các cấp tiếp tục công tác thống kê thiệt hại cụ thể, để hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng.

* Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, từ đêm 22/4 đến rạng sáng 23/4, tại Tuyên Quang xảy ra mưa dông trên diện rộng, có khu vực xảy ra mưa to đến rất to đã gây thiệt hại trên địa bàn các huyện Hàm Yên, Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa.
 
1 hộ dân bị tốc mái ở xã Năng Khả, huyện Na Hang lợp lại nhà để sớm ổn định cuộc sống. Ảnh TTXVN
1 hộ dân bị tốc mái ở xã Năng Khả, huyện Na Hang lợp lại nhà để sớm ổn định cuộc sống. Ảnh TTXVN

Cụ thể, mưa dông, gió lốc đã làm 74 ngôi nhà bị tốc mái; hơn 12 ha lúa bị thiệt hại; hơn 16 ha ngô, rau màu bị gẫy đổ; trạm kiểm lâm tại xã Năng Khả, huyện Na Hang bị tốc mái, hư hỏng trần nhà; 3 tuyến đường giao thông tại huyện Na Hang bị sạt lở 11 vị trí...

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND các huyện Hàm Yên, Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, phụ trách xuống các xã bị ảnh hưởng nắm tình hình và thống kê thiệt hại; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ bị tốc, thủng mái nhà ổn định đời sống. UBND các huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp, kỹ thuật chăm sóc diện tích hoa màu bị ảnh hưởng để cây trồng phục hồi, đảm bảo kịp mùa vụ; chỉ đạo Hạt giao thông huyện khắc phục các điểm sạt lở để nhanh chóng đảm bảo lưu thông giao thông. Hiện, UBND các huyện vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.

* Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, mưa lớn kéo dài kèm theo giông lốc xảy ra trong hai ngày 22 và 23/4 trên địa bàn tỉnh đã khiến gần 30 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có nhà bị sập hoàn toàn. Ngoài ra, nhiều tài sản hoa màu của người dân cũng bị ảnh hưởng; không có thiệt hại về người.
 
Nhiều diện tích hoa màu của người dân bị ảnh hưởng. Ảnh: TTXVN
Nhiều diện tích hoa màu của người dân bị ảnh hưởng.  Ảnh: TTXVN

Các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai bao gồm các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ. Mưa giông đã làm gần 10 ha ngô và một số diện tích rau màu của nhân dân bị hư hại. Đặc biệt, tại huyện Định Hóa có 12 công trình phụ bị hư hỏng; huyện Đại Từ có một cột điện tại xã Cù Vân bị gãy đổ. Ước thiệt hại ban đầu về tài sản khoảng trên 260 triệu đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã kiểm tra và chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó; đồng thời, huy động lực lượng, phương tiện giúp nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện mực nước trên các sông, suối trên địa bàn đang lên nhanh, cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Định Hóa, Đại Từ, sụt lún tại huyện Đồng Hỷ, ngập úng các vùng trũng thuộc thành phố Thái Nguyên, huyện Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương. Ngoài ra, dự báo mưa giông có thể tiếp tục xảy ra trong chiều và đêm nay, chính quyền địa phương cùng người dân cần chủ động các biện pháp đề phòng.

* Trận mưa đá, giông lốc trên địa bàn tỉnh Lào Cai diễn ra từ đêm 22/4, rạng sáng 23/4 đã khiến một người bị thương, hàng trăm ngôi nhà, trường học, các công trình công cộng bị hư hỏng, nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại nặng nề. Ước thiệt hại trên 15 tỷ đồng.
 
Nhà dân ở thôn Sử Pán, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa bị tốc mái do giông lốc. Ảnh: Hương Thu-TTXVN
 Nhà dân ở thôn Sử Pán, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa bị tốc mái do giông lốc. Ảnh: Hương Thu-TTXVN

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, người bị thương là ông Ngô Văn Vĩnh (trú tại tổ 5, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai) bị tấm lợp rơi vào đầu đã được gia đình đã đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Ngoài ra, thiên tai đã làm hư hỏng 602 nhà ở của nhân dân trong tỉnh với mức độ từ 30-70%, nhiều nhất là tại thị xã Sa Pa với 235 nhà, Bảo Thắng 142 nhà, Văn Bàn 74 nhà, thành phố Lào Cai  67 nhà, Mường Khương 64 nhà...

Về sản xuất nông nghiệp, đã có trên 100 ha lúa, ngô, rau màu, cây trồng hằng năm (sắn, chuối, ớt), cây ăn quả bị thiệt hại trong mức độ từ 30-70%. Trong đó, huyện Văn Bàn bị ảnh hưởng nặng nhất với trên 15 ha lúa, cây ăn quả... bị thiệt hại gần như hoàn toàn.
 
Diện tích ngô tại xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa bị thiệt hại do mưa đá. Ảnh: Hương Thu-TTXVN
Diện tích ngô tại xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa bị thiệt hại do mưa đá. Ảnh: Hương Thu-TTXVN

Toàn tỉnh Lào Cai có 7 trường học tại các huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên bị ảnh hưởng bởi giông lốc như tốc mái, đổ tường rào, chủ yếu tập trung tại huyện Bảo Thắng (5 trường). Trong đó 2 trường bị tốc mái 100%. Ngoài ra, có 2 nhà văn hóa thôn bản bị hư hỏng, tốc mái trên 70% là nhà văn hóa thôn Séo Tủng, xã Tung Chung Phố và thôn Bản Phố xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương.

Các công trình công cộng, giao thông, thủy lợi... trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng bị hư hỏng nặng. 12 cột điện hạ thế và điện chiếu sáng của các địa phương Bảo Thắng, Sa Pa, thành phố Lào Cai bị gãy đổ; công trình thủy lợi Co Thản, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn bị gãy 20m kênh bê tông; ngầm tràn Võ Lao, huyện Văn Bàn bị ách tắc giao thông do nước dâng cao; 330 m3 đường liên xã tại huyện Văn Bàn và thị xã Sa Pa bị sạt lở. Mưa đá, giông lốc cũng làm sập đổ 4.000m2 nhà lưới công nghệ cao xã Quang Kim, huyện Bát Xát. Tại thành phố Lào Cai, Trạm kiểm soát cửa khẩu Quốc tế Lào Cai bị vỡ kính và cột điện chiếu sáng khu Kim Thành (thuộc Ban quản lý khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai) bị  gãy đổ...

UBND các huyện, thị xã, thành phố Lào Cai đã huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ người dân sơ tán tài sản và bố trí chỗ ở tạm đối với các gia đình có nhà bị hư hỏng, đồng thời giúp đỡ các gia đình dọn dẹp, gia cố, lợp lại nhà ở. Đối với các trường học bị tốc mái, chính quyền địa phương đã bố trí lớp học tạm tại các nhà văn hóa thôn và ghép lớp khi học sinh bắt đầu đi học trở lại do dịch COVID-19. UBND các địa phương đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đánh giá mức độ thiệt hại, bố trí kinh phí khắc phục. Đến 16 giờ ngày 23/4, ngầm tràn Võ Lao, huyện Văn Bàn đã thông xe tạm thời.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, diễn biến thời tiết trong thời gian tới rất phức tạp, hiện tượng mưa kèm theo sét đánh, dông lốc vẫn tiếp tục xảy ra. Do đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đã đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời diễn biến thời tiết đến người dân để chủ động phòng, tránh; thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh trong công tác phòng ngừa, ứng phó với các loại thiên tai./.
Phóng viên TTXVN tại các địa phương
TTXVN

Có thể bạn quan tâm