Khám phá những giá trị độc đáo của thảm thực vật tại Hang Sơn Đoòng

Khám phá những giá trị độc đáo của thảm thực vật tại Hang Sơn Đoòng
Theo Tiến sỹ Vũ Anh Tài, đối tượng nghiên cứu được xác định là toàn bộ các loài thực vật bậc cao có mạch cũng như cấu trúc quần xã thực vật xuất hiện trong hệ thống Hang Sơn Đoòng, tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch tập trung chủ yếu ở hai khu vực là Vườn Địa Đàng và Vườn A Đam. Đây chính là mục tiêu khám phá về thực vật trong hành trình nghiên cứu

Giá trị độc đáo của thảm thực vật

Nét độc đáo và khác biệt của Sơn Đoòng là sự có mặt của 2 hố sập (collapsed doline) - nơi trần hang bị sụp đổ, tạo nên các giếng trời. Tại các vị trí này, ánh sáng mặt trời rọi xuống, làm phát triển thảm thực vật và cả cánh rừng nhiệt đới đặc biệt.

Kết quả nghiên cứu bước đầu về thực vật ở các hố sập cho thấy có tổng số hơn 200 mẫu loài. Về thảm thực vật, tại các lỗ hổng có ánh sáng cao chỉ có các loài thân thảo bì sinh, rêu và một số dây leo sống bám vào mặt đá vách và nền hang. Ở phía trên có các loài cây bụi, cây gỗ nhỏ và dây leo phát triển trên bề mặt của khối đá miệng các lỗ hổng, chúng có cành vươn xuống phần không gian trống tạo ra từ lỗ hổng này.

Kích thước khổng lồ của hang cũng giúp cho các đám mây hình thành ngay trong hang từ các mạch sông ngầm. Ảnh: TTXVN
Kích thước khổng lồ của hang cũng giúp cho các đám mây hình thành ngay trong hang từ các mạch sông ngầm. Ảnh: TTXVN

Riêng thành phần loài, không có sự khác biệt so với thảm thực vật ở phía ngoài. Tại hố sập 1, thảm thực vật là trảng cỏ, trảng cây bụi có xen một số cây thân gỗ nhỏ, là các cây non của các loài cây gỗ ở bên ngoài hố xụt phát tán tới. Thành phần còn lại cũng là những cây thân thảo hoặc thân bụi phổ biến như ở bên ngoài như: Bồng bồng, Bọ mắm, Môn thục, Tiêu rừng, Ráy leo….

Tại hố sập 2, thảm thực vật bao gồm một khoảng rừng có cây gỗ lớn cao đến 30m, phân tầng khá rõ nhưng không có tầng vượt tán, tầng tán thưa thớt, tầng dưới tán khá dày các loài cây ưa bóng. Cây gỗ tầng tán thường nhỏ, tán hẹp, thưa trong khi tầng cây bụi và thảm tươi khá dầy, tất cả đều là những loài chịu bóng, thích hợp với điều kiện thiếu ánh sáng dưới nền của hố sập. Các loài bì sinh khá phổ biến trên cành của những cây tầng tán.

Tiến sĩ Tài cho biết, trong quá trình nghiên cứu, đoàn cũng phát hiện một bộ xương hóa thạch của động vật thuộc nhóm động vật ăn cỏ, kiểu như hươu, nai, dê có niên đại còn rất trẻ, chỉ khoảng trên dưới trăm năm tuổi nằm tại cuối hang. Sự nguyên vẹn của bộ xương lại được phủ một lớp canxit mỏng huyền ảo và lẫn với đó là những viên ngọc động tròn vo nhóng nhánh khi có nước, tạo nên một điểm quan sát vô cùng thú vị.

Trong chuyến khảo sát năm 2011, đoàn nghiên cứu áp dụng phương pháp khảo sát thực tế kết hợp với việc xác định tên khoa học của các đối tượng ngay tại thực địa. Đây là một cách làm tuy không mới nhưng để áp dụng được trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn của Sơn Đoòng thì toàn bộ tài liệu về thực vật chính được sử dụng ngay tại thực địa đều là các bản scan trên máy tính. Cũng vì lí do khó khăn khi di chuyển, các đối tượng nghiên cứu chỉ được chụp ảnh và ghi chép, đối chiếu với các mô tả hình thái ngay tại thực địa.

Dựa trên số liệu định loại trực tiếp ngoài thực địa và thẩm tra lại qua bộ mẫu ảnh, đoàn nghiên cứu đã bước đầu ghi nhận hiện có 161 loài thuộc về 115 chi, 64 họ của 3 ngành thực vật có mạch bậc cao là Thông đất, Dương xỉ và Mộc lan. Phần lớn các loài thực vật ở đây đều ưa ẩm, điển hình như Gai, Ráy rất ưu thế. Đồng thời cũng đã quan sát được một hiện tượng thú vị, đó là sự mọc rễ từ quả của một cây Trọng đũa ngay cả khi quả vẫn còn ở trên cây. Điều đó phản ánh những điều kiện sống khó khăn trong hang. Sự xuất hiện của cây Chân trâu đen cũng là một nét đặc trưng của hệ thực vật ở Hang Sơn Đoòng.

Thảm thực vật ở các hố sập được hình thành do sự phát tán từ bên ngoài. Các loài cây thích ứng với điều kiện mát và rất ẩm quanh năm, chúng mọc trên những khu vực đất nghèo dinh dưỡng và thiếu ánh sáng. Thảm thực vật ở Vườn Địa Đàng chủ yếu là đồi cỏ và thống kê được 98 loài thuộc 68 chi, 40 họ, trong đó chỉ có 2 loài thân gỗ vừa và 6 loài thân gỗ nhỏ, còn lại đều là thân thảo (47 loài) hoặc thân bụi (23 loài). Tại Vườn A Đam thống kê được 160 loài thực vật thuộc 117 chi và 88 họ có mặt tại khu vực này.

Ngoài ra trong hang còn có cả hệ thống hóa thạch khoảng 300 triệu năm, gồm hóa thạch của những động vật sống dưới biển ngày xưa do biến đổi địa chất mà dồn lên. Từ đó, người ta có thể phân tích được sự biến đổi của tầng địa chất ở đây và nghiên cứu lịch sử của khu vực này. Thật sự những giá trị địa chất, khảo cổ ở Sơn Đoòng là vô giá.

Định hướng sử dụng bền vững kết hợp bảo tồn

Năm 2013, đề án thử nghiệm tuyến du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới” được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt, với 2 loại tour: 6 ngày 5 đêm và 4 ngày 3 đêm. Sau 8 tháng thử nghiệm, Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha -Kẻ Bàng và Công ty Oxalis đã phối hợp tổ chức, đón tiếp, phục vụ thành công 32 tour “Chinh phục Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới” với tổng số 243 lượt khách tham quan đến từ 34 nước. Mặc dù thời gian đó chưa khai thác chính thức, nhưng thời gian thử nghiệm tour du lịch ngắn đã đưa lại hiệu quả kinh tế đáng kể với doanh thu bán tour đạt trên 15 tỷ đồng.

Tour du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới” cũng đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 40 người dân địa phương trực tiếp tham gia phục vụ các tour tham quan, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng một người/một tháng lúc bấy giờ. Ngoài ra, một số dịch vụ khác của người dân trong vùng cũng được phát triển, như cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhà hàng, khách sạn…

Thông qua tuyến du lịch Sơn Đoòng đã quảng bá hình ảnh Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nói riêng và tỉnh Quảng Bình ra thế giới. Đồng thời đã kết nối, thu hút du khách đến tham quan tại các tuyến, điểm du lịch khác ở tỉnh Quảng Bình nói chung.

Hang Sơn Đoòng còn sở hữu một hệ thống sông ngầm lớn, được hình thành bởi sự giao thoa của 2 con sông. Cuối hang là bức tường đá vôi cao 90 mét, hay còn gọi là “Bức Tường Việt Nam”. Ảnh: TTXVN
Hang Sơn Đoòng còn sở hữu một hệ thống sông ngầm lớn, được hình thành bởi sự giao thoa của 2 con sông. Cuối hang là bức tường đá vôi cao 90 mét, hay còn gọi là “Bức Tường Việt Nam”. Ảnh: TTXVN

Việc khai thác thử nghiệm tour du lịch chinh phục Sơn Đoòng được thực hiện bài bản, với sự tư vấn và tham gia của các chuyên gia hang động Anh. Số lượng khách được giới hạn 220 khách/ năm, mỗi tour chỉ từ 6-8 khách (thu 3000USD/ khách).

Nằm trong khu vực di sản thiên nhiên nổi tiếng thế giới và mang vị thế lớn nhất toàn cầu cùng với những giá trị tự nhiên vô cùng độc đáo. Đây cũng nơi lưu giữ những giá trị khoa học quan trọng, về địa chất, địa mạo, cổ khí hậu và sinh vật. Bởi vậy Hang Sơn Đoòng còn là điểm đến được nhiều các nhà khoa học quan tâm cũng như của các kênh truyền hình lớn về khoa học sự sống trên thế giới

Để giữ gìn những nét độc đáo tại Hang Sơn Đoòng được nhiều người biết đến, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung những nét độc đáo khác, như là những khám phá về hệ thực vật có một không hai này ở Việt Nam.

Hang Sơn Đoòng được hình thành khoảng 2-5 triệu năm trước, với chiều rộng 200 m, cao hơn 150 m, dài 6,8 km, cuối hang là một thác nước khổng lồ với vách hoàn toàn bằng nhũ đá trơn tuột. Được tìm thấy bởi một người địa phương (Hồ Khanh) vào năm 1991 và được khám phá, đo vẽ vào các năm 2009 và 2010 do các nhà nghiên cứu hang động Anh và các nhà địa mạo (Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), hang Sơn đã nhanh chóng được thế giới biết đến và ngày càng trở nên nổi tiếng.
Lý Thanh Hương

Có thể bạn quan tâm